Chiều 3/4 trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, kỳ tuyển sinh đại học năm 2025 có hai điểm đổi mới quan trọng là bỏ xét tuyển sớm và quy đổi điểm các phương thức xét tuyển.
Video Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn trả lời báo chí:
Thưa Thứ trưởng, lý do vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo quy đổi điểm các phương thức xét tuyển về một thang điểm chung?
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ yêu cầu quy đổi tương đương với điểm trúng tuyển cuối cùng, thay vì cả thang điểm. Cần xác định với 1 ngành có nhiều phương thức xét tuyển, các điểm chuẩn trúng tuyển của các phương thức phải bảo đảm mức độ tương đương về đánh giá năng lực của thí sinh, cũng như ngành học. Yêu cầu này cũng xuất phát từ những bất cập lớn của các năm trước khi các trường xét điểm chuẩn trúng tuyển theo chỉ tiêu.
Việcphân chia chỉ tiêu giữa các phương thức hầu như khó có căn cứ, nhưng các năm trước điểm chuẩn đã được quyết định bởi chỉ tiêu. Việc đưa ra điểm chuẩn dựa trên phân tích và quy đổi tương đương khoa học và bảo đảm tính công bằng hơn nhiều so với việc quyết định điểm chuẩn qua phân chia chỉ tiêu.
Có hai cách xác định điểm chuẩn: Thứ nhất, dựa vào chỉ tiêu, nghĩa là trường dành bao nhiêu chỉ tiêu cho mỗi phương thức, điểm chuẩn sẽ do số lượng thí sinh và chỉ tiêu quyết định. Thứ hai, dựa trên quy đổi tương đương, tức là xác định điểm chuẩn theo cách đảm bảo công bằng về năng lực giữa các thí sinh trúng tuyển từ các phương thức khác nhau.Như vậy, phương pháp thứ hai khoa học và công bằng hơn nhiều so với cách xác định điểm chuẩn dựa trên phân bổ chỉ tiêu.
Cách xác định điểm chuẩn dựa trên chỉ tiêu xét tuyển của các trường hiện nay còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, một ngành có 200 chỉ tiêu, phân bổ cho hai phương thức xét tuyển, mỗi phương thức 100 chỉ tiêu. Tuy nhiên, trong quá trình xét tuyển, luôn tồn tại tình trạng thí sinh ảo, không có trường nào chắc chắn tuyển đủ 100 thí sinh ngay từ đầu. Do đó, các trường thường nâng chỉ tiêu tuyển sinh tạm thời lên 150 và sau đó sử dụng quy trình lọc ảo để đưa số lượng trúng tuyển về khoảng 110 - 120 thí sinh (lo ngại còn tình trạng ảo khi thí sinh nhập học).
Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo buộc phải đưa ra quy định chặt chẽ, không để các trường tự quyết điểm chuẩn theo từng phương thức xét tuyểnkhông có căn cứ khoa học rõ ràng.
Có những ý kiến cho rằng, không thể quy đổi các kết quả đánh giá của các kỳ thi khác nhau. Ví dụ kỳ thi Đánh giá năng lực, kỳ thi SAT khác với kỳ thi tốt nghiệp THPT hay kỳ thi năng khiếu nào đó. Vậy, có quy đổi chính xác được không, thưa Thứ trưởng?
Bộ đồng ý với ý kiến đó. Nếu như các kỳ thi đánh giá các năng lực hoàn toàn khác nhau của thí sinh, rõ ràng không thể dùng các phương thức khác nhau để đánh giá năng lực của thí sinh khi vào một ngành. Nhưng nếu đã là các phương thức dùng để xét tuyển thí sinh vào một ngành, phải đặt ra yêu cầu giống nhau hoặc chỉ khác nhau một phần nhỏ nào đó, nhưng vẫn đảm bảo cơ bản năng lực cốt lõi của thí sinh vào cùng một ngành. Điều này đã được ghi rõ trong quy chế và cũng là nguyên tắc cao nhất trong tuyển sinh là độ tin cậy và công bằng.
Như vậy, các phương thức dùng để xét tuyển thí sinh vào một ngành dù có khác nhau về cách đánh giá, nhưng phải đánh giá được cùng năng lực cốt lõi của thí sinh. Vì vậy, điểm chuẩn trúng tuyển phải quy đổi được.
Quy chế tuyển sinh mới không bắt buộc các trường phải quy đổi tương đương cho tất cả các phương thức xét tuyển, mà chỉ áp dụng trong phạm vi cùng một ngành hoặc chương trình đào tạo có nhiều phương thức xét tuyển.
Nếu hai phương thức đánh giá năng lực có sự khác biệt quá lớn, không thể quy đổi theo cùng một tiêu chí. Tuy nhiên, nếu các phương thức xét tuyển đều được sử dụng để tuyển sinh vào cùng một ngành/chương trình đào tạo, thì chúng phải có chung một tiêu chí đánh giá năng lực cốt lõi. Đây là nguyên tắc để đảm bảo công bằng trong xét tuyển.
Vậy, việc quy đổi điểm có ảnh hưởng đến quyền tự chủ tuyển sinh của các trường không, thưa Thứ trưởng?
Tự chủ không có nghĩa là tùy ý, mà phải đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch và có trách nhiệm giải trình. Mọi quyết định tuyển sinh đều phải tuân thủ quy định của Luật Giáo dục đại học, trong đó nguyên tắc độ tin cậy và công bằng là tối quan trọng. Các trường vẫn có quyền quyết định phương thức xét tuyển, nhưng Bộ sẽ hướng dẫn việc quy đổi điểm để đảm bảo rằng các phương thức xét tuyển trong cùng một ngành có sự tương đồng về đánh giá năng lực thí sinh.
Ban đầu, Bộ chỉ yêu cầu các trường giải trình cách thức quy đổi điểm giữa các phương thức xét tuyển. Ví dụ: Tại sao điểm trúng tuyển ngành A theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 25 điểm, nhưng theo kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội lại là 120/150 điểm? Nhìn từ thực tế các năm trước cho thấy, khi Bộ yêu cầu các trường giải trình về cách phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển, phần lớn các trường không làm được.
Năm nay, Bộ không chỉ yêu cầu giải trình về phân bổ chỉ tiêu, mà còn yêu cầu giải trình rõ ràng về điểm chuẩn trúng tuyển giữa các phương thức xét tuyển trong cùng một ngành. Ví dụ, tại sao điểm chuẩn tổ hợp A00 và A01 có sự chênh lệch? Tại sao phương thức xét tuyển theo học bạ có mức điểm trúng tuyển thấp hơn hay cao hơn phương thức thi trung học phổ thông? Quy đổi điểm tương đương có đảm bảo đánh giá chính xác năng lực thí sinh không? Tất cả những câu hỏi này phải được giải trình dựa trên căn cứ khoa học,không thể dựa trên sự phân bổ chỉ tiêu theo ý chí chủ quan của từng trường.
Mỗi ngành đào tạo có tính đặc thù riêng, vì vậy, Bộ không áp đặt một công thức cứng nhắc. Hiện nay, có hàng nghìn ngành, chương trình đào tạo khác nhau. Bộ chỉ đưa ra một khung quy đổi điểm phổ biến, bao gồm các tiêu chí cơ bản như: Điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm học bạ, điểm kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Trên cơ sở này, các trường có thể điều chỉnh mức quy đổi phù hợp với đặc thù của từng ngành và từng trường.
Vậy, thưa Thứ trưởng, để quy đổi điểm một cách khoa học phải làm gì?
Có nhiều phương pháp quy đổi điểm, trong đó có hai phương pháp chính:
Thứ nhất, sử dụng phương pháp phân vị. Cụ thể, từ nguồn dữ liệu các thí sinh tham gia nhiều phương thức xét tuyển khác nhau (thi tốt nghiệp trung học phổ thông, học bạ, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy), trên cơ sở đó xác định điểm đạt top 1%, top 5%, top 10% trong từng kỳ thi để tiến hành quy đổi.
Thứ hai, sử dụng phương pháp hồi quy tuyến tính. Chia khoảng điểm, tìm tương quan giữa các mức điểm của từng phương thức xét tuyển.
Ngoài ra, còn nhiều phương pháp khác, nhưng nhìn chung, các trường đại học hoàn toàn có thể thực hiện được việc quy đổi này một cách khoa học.
Bên cạnh việc hướng dẫn quy đổi điểm dựa trên kết quả thi tuyển, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn đề xuất một cách tiếp cận khoa học hơn: Kiểm chứng lại mức quy đổi điểm bằng kết quả học tập của sinh viên. Các trường có thể đánh giá kết quả học tập của sinh viên năm nhất, năm hai để kiểm tra xem các nhóm sinh viên trúng tuyển theo các phương thức khác nhau có sự tương quan về năng lực hay không.
Nếu một phương thức xét tuyển có điểm chuẩn thấp hơn, nhưng sinh viên lại có kết quả học tập tốt hơnhoặc ngược lại, điểm chuẩn cao hơn, nhưng sinh viên học yếu hơn, điều này có thể chỉ ra sự chưa hợp lý trong cách quy đổi điểm. Dựa trên những dữ liệu này, các trường có thể điều chỉnh mức quy đổi điểm để phù hợp hơn với thực tế.
Mục tiêu chính của việc quy đổi là để đánh giá năng lực thí sinh một cách công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Nếu các phương thức đánh giá năng lực khác nhau quá lớn, không thể quy đổi được, thì không nên sử dụng chúng để xét tuyển vào cùng một ngành.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!