Bỏ thói quen cũ để đổi mới dạy học

17/10/2023, 07:26
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều giáo viên rất sáng tạo khi đổi mới phương pháp giảng dạy cũng như kiểm tra, đánh giá.

Tuy nhiên, còn một số thầy cô vẫn nặng về yêu cầu học sinh phải nhớ kiến thức một cách máy móc, điển hình là hình thức gọi trả bài đầu giờ theo kiểu “đột xuất, bất chợt”. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc đã có cuộc trao đổi với Báo GD&TĐ xung quanh vấn đề này.

Thay đổi từ nhận thức đến hành động

- Theo ông, việc kiểm tra bài cũ đầu giờ theo hình thức “đột xuất, bất chợt” có còn phù hợp?

- Trước hết, chúng ta cần xác định rõ mục đích, yêu cầu của hoạt động kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học. Theo tinh thần của Chương trình GDPT 2018 và Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT, trường học đánh giá học sinh qua đánh giá thường xuyên và định kỳ. Trong đó, có môn đánh giá bằng nhận xét, có môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số.

Về tiến trình dạy học, trước khi “hình thành kiến thức mới”, giáo viên có hoạt động “mở đầu/ khởi động”. Mục đích của “tình huống/ câu hỏi/ nhiệm vụ mở đầu” nhằm huy động kiến thức/ kỹ năng đã có của học sinh để chuẩn bị học nội dung mới. Về tổ chức hoạt động kiểm tra đánh giá, cần xác định rõ mục đích hướng đến là gì. Câu trả lời cho các câu hỏi này nằm trong kế hoạch kiểm tra đánh giá của tổ bộ môn và được công khai với học sinh và phụ huynh.

Thực tế hiện nay cho thấy vẫn còn một số thầy cô có thói quen gọi học sinh trả bài, dò bài cũ “bất chợt”, không theo kế hoạch, xuất phát từ tâm lý dạy học nặng về truyền thụ kiến thức. Như vậy, kiểm tra với hình thức không phù hợp, mục đích không rõ ràng, nội dung nặng về nhớ kiến thức một cách máy móc không chỉ gây tình trạng căng thẳng, áp lực với học sinh mà còn không đúng với tinh thần chỉ đạo chung của TPHCM.

- Kiểm tra “đột xuất, bất chợt” không nên sử dụng trong bối cảnh đổi mới giáo dục, vậy giáo viên có thể thay đổi theo phương thức nào, thưa ông?

- Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất, giúp các em làm chủ kiến thức phổ thông và biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống thực tế. Việc đánh giá không chú trọng xem học sinh đã tiếp thu được bao nhiêu kiến thức như cách làm truyền thống lâu nay, thay vào đó, nhà trường cần áp dụng linh hoạt các hình thức kiểm tra nhằm giúp các em phát triển năng lực, phẩm chất.

Hình thức “kiểm tra đột xuất, bất chợt” có thể không đảm bảo tính khách quan vì học sinh không có thời gian chuẩn bị dẫn đến có thể trả lời sai câu hỏi do hồi hộp mà không nhớ kiến thức, không biết cách giải. “Kiểm tra đột xuất, bất chợt” vì thế được coi là hình thức gây khó khăn bởi có thể tạo áp lực, khiến các em lo lắng, căng thẳng, ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra dẫn đến đánh giá không đúng năng lực người học.

Tuy nhiên, chúng ta không nên chủ quan loại bỏ hoàn toàn một cách thức kiểm tra nào đó mà cần đánh giá cụ thể, khoa học, rõ ràng. Có thể giáo viên chọn hình thức kiểm tra “đột xuất” để đánh giá khả năng ứng xử tình huống, sự chuẩn bị và thái độ học tập của học sinh thì việc kiểm tra như vậy là có mục đích, ý nghĩa cụ thể. Nhưng phải khẳng định là không nên thực hiện cách thức này nếu vẫn còn phương pháp khác hiệu quả hơn để đạt mục đích đề ra.

Cũng cần nói rộng hơn, kiểm tra miệng là một trong các hình thức của quá trình đánh giá thường xuyên. Quá trình này được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau như hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập. Khi đánh giá thường xuyên, thầy cô có thể áp dụng hình thức hỏi - đáp.

Nhưng thay vì “trả bài” có thể tổ chức các trò chơi, hoạt động tương tác khác cho tất cả học sinh tham gia, như trò chơi “Rung chuông vàng”. Thầy cô cũng có thể tổ chức cho học sinh thuyết trình, thực hành, thí nghiệm hoặc tìm hiểu, nối kết, vận dụng kiến thức đã học vào địa phương, môi trường sinh sống. Cũng có thể trong quá trình giảng dạy bài mới, giáo viên lồng ghép, liên hệ nội dung bài cũ để đánh giá khả năng nắm bắt, giúp học sinh ôn tập...

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc. ảnh 1
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc.

Bồi dưỡng, hỗ trợ giáo viên

- Ngành GD-ĐT TPHCM đã và đang quyết liệt đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh như thế nào?

- Căn cứ vào các chỉ đạo, hướng dẫn, quy định của Bộ GD&ĐT, nhiều năm nay TPHCM kiên trì thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh. Về hình thức kiểm tra, nhiều trường mạnh dạn đánh giá học sinh qua thực hiện các dự án học tập, sản phẩm học tập. Về nội dung, chú trọng vận dụng kiến thức, kỹ năng để giải quyết một tình huống thực tiễn.

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TPHCM đã thể hiện phần nào việc đổi mới kiểm tra, đánh giá. Đề thi chủ yếu yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề thực tế chứ không phải học thuộc lòng.

Đến thời điểm này, đa số giáo viên ở trường THCS, THPT đều thực hiện đổi mới với nhiều mức độ khác nhau, trong đó, một số thầy cô rất sáng tạo và thu được hiệu quả tích cực. Tuy nhiên vẫn còn giáo viên chưa thực hiện nhuần nhuyễn tinh thần đổi mới cách kiểm tra, đánh giá học sinh.

Do đó, chúng tôi đã xác định thay đổi phương pháp kiểm tra, đánh giá là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục TPHCM trong năm học 2023 - 2024. Sở GD&ĐT TPHCM đã chỉ đạo các trường THCS, THPT xây dựng kế hoạch kiểm tra đánh giá học sinh với thời gian, hình thức, nội dung... cụ thể. Trong đó, sở khuyến khích nhà trường đa dạng hóa hình thức kiểm tra đánh giá, đồng thời phổ biến kế hoạch trên đến tất cả học sinh.

Ngoài ra, thời gian tới, chúng tôi tổ chức một số hoạt động hỗ trợ thầy cô giáo như tập huấn các phương pháp, cách thức đánh giá học sinh, chẳng hạn như giao nhiệm vụ học tập như thế nào, đánh giá thông qua sản phẩm học tập ra sao, vận dụng linh hoạt các hình thức đánh giá sao cho hiệu quả... Đồng thời, sở cũng chỉ đạo các trường học tăng cường sinh hoạt chuyên môn cấp tổ, trường và liên trường về đổi mới phương pháp đánh giá học sinh với mục đích chính là giúp giáo viên hiểu rõ, hiểu sâu và tự tin thực hiện.

- Xin cảm ơn ông!

“Tôi cho rằng thách thức lớn nhất của quá trình đổi mới giáo dục nói chung và phương thức kiểm tra, đánh giá học sinh nói riêng là việc nâng cao nhận thức và chuyển nhận thức đó thành hành động của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Để đổi mới kiểm tra đánh giá thành công, giáo viên cần có những thay đổi trong nhận thức và hành động. Cụ thể là nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của đổi mới kiểm tra đánh giá, đổi mới tư duy về kiểm tra đánh giá, áp dụng các phương pháp kiểm tra đánh giá mới trong dạy học”, ông Quốc chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bỏ thói quen cũ để đổi mới dạy học