Thứ chín: Chủ động mở rộng hợp tác song phương, đa phương; thu hút các nguồn lực, tăng cường hợp tác và đầu tư với nước ngoài trong giáo dục. Bộ GD&ĐT đã thực hiện tốt nhiệm vụ Chủ tịch kênh giáo dục của ASEAN năm 2022 - 2023, trong đó đã đưa ra một số sáng kiến và chủ trì thông qua được một số tuyên bố chung của ASEAN về giáo dục.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội nghị. |
Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất cao với báo cáo của Bộ GD&ĐT về những kết quả đạt được, cũng như phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong năm 2024.
Các ý kiến đồng thời trao đổi, thảo luận, đưa đề xuất, kiến nghị liên quan đến triển khai tự chủ đại học; phát triển đội ngũ giảng viên; phát triển khoa học công nghệ trong trường đại học; quy hoạch mạng lưới; Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm; cơ sở vật chất cho giáo dục; bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018; chương trình giáo dục mầm non… Các vấn đề đặt ra được Thứ trưởng, đại diện các vụ, cục của Bộ GD&ĐT trao đổi, giải đáp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, 2023 là năm rất quan trọng trong lộ trình triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đây là năm ngành Giáo dục có nhiều việc lớn phải làm, nhiều thách thức cần phải vượt qua. Thực tế, chúng ta đã hoàn thành được các mục tiêu lớn đề ra trong năm, vượt qua thách thức và đạt được kết quả quan trọng.
Nhấn mạnh lại những kết quả nổi bật của năm 2023 trong bối cảnh nhiều thách thức, Bộ trưởng khẳng định đây là một năm ngành Giáo dục nhận được sự tin cậy, chia sẻ, đồng thuận, thấu hiểu nhiều hơn từ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, đại biểu Quốc hội, người dân… Trong nội bộ ngành cũng rất đồng tâm, nhất trí. “Đây chính là sức mạnh để chúng ta tiếp tục công việc đầy thử thách trong năm 2024”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nhận định về năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Rất nhiều thách thức vẫn còn nguyên, nhưng những thách thức nếu vượt qua được sẽ có những kết quả mới.
Theo Bộ trưởng, đây là năm quan trọng có tính chất nước rút với đổi mới giáo dục phổ thông, khi các lớp cuối cùng bước vào triển khai và chuẩn bị đánh giá cả chu trình đổi mới; cùng với đó là hàng loạt các công việc cần thực hiện theo kết luận giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Với nhiều thách thức, nhiều khó khăn, nhiều việc đặt ra, Bộ trưởng nhấn mạnh từ khóa làm tinh thần triển khai cho năm 2024, đó là: Bản lĩnh - Thực tiễn - Chất lượng - Lan tỏa.
Bộ trưởng phân tích, với trạng thái đang đổi mới, đổi mới không bao giờ là dễ dàng, phải khẳng định được trước xã hội - đó là con đường không thể khác.
“Chặng đường phía trước phải thể hiện tinh thần nhất quán, bản lĩnh để tiếp tục con đường đổi mới. Trước một số việc nếu không thực sự bản lĩnh, xã hội không biết đặt niềm tin vào đâu”, Bộ trưởng nói.
Cùng với đó là tinh thần thực tiễn để tiếp tục đổi mới. Bộ trưởng cho biết, năm qua, Bộ GD&ĐT đã rà soát, điều chỉnh hàng loạt chính sách phù hợp với thực tiễn như Nghị định 116, Nghị định 99, điều chỉnh hàng loạt thông tư, hướng dẫn… với tinh thần chung là lắng nghe từ thực tiễn, phù hợp với yêu của thực tiễn. “Thời kỳ chuyển đổi nên sẽ nhiều thay đổi, những gì chưa phù hợp kịp thời thay đổi để phù hợp…”, Bộ trưởng nhấn mạnh tinh thần này cần tiếp tục trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
“Cam kết chất lượng” là việc tiếp theo mà theo Bộ trưởng, các bậc học dù nhiều việc đang phải làm nhưng luôn luôn phải lấy yếu tố chất lượng làm thước đó cho mọi công việc.
Cùng với đó, trong quá trình đổi mới nhiều yếu tố mới, tinh thần mới, giá trị mới phải được làm lan toả. Bộ trưởng chia sẻ, đồng thời ghi nhận sự cố gắng của từng từng đơn vị, ghi nhận kết quả truyền thông trong năm 2023, qua đó giúp cho hoạt động truyền thông tích cực hơn, chia sẻ của xã hội với ngành tốt hơn.
Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội Nguyễn Văn Minh phát biểu tại Hội nghị. |
Về một số công việc cụ thể cần triển khai trong năm 2024, Bộ trưởng nhấn mạnh đầu tiên là làm thật tốt tổng kết Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Tiếp tục đưa ra đề xuất, mở đường cho bước phát triển mới trong thời gian tiếp theo nhân Kết luận của Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW; quan tâm đến nguồn lực cho đổi mới, đặc biệt là yếu tố con người. Chúng ta cần giải quyết vấn đề thiếu giáo viên và nâng cao chất lượng đội ngũ.
Cùng với đó, trình Chính phủ Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Năm 2024 cũng là năm tiếp tục đổi mới giáo dục phổ thông; trong đó thực hiện chu trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa đến lớp 5, 9, 12, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng. Về việc này, Bộ trưởng yêu cầu các trường đại học, đặc biệt là trường đào tạo giáo viên tập trung đổi mới chương trình, phương pháp để sinh viên ra trường có thể nhập cuộc ngay với phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá ở phổ thông.
Một nội dung công việc khác cũng được Bộ trưởng lưu ý là triển khai đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Các hoạt động thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó Luật Nhà giáo là công việc rất lớn đặt ra cho năm 2024...