Trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với một loạt cú sốc toàn cầu từ 2020, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết, Washington đang theo đuổi "friendshoring" - chiến lược đặt sản xuất tại các quốc gia bằng hữu - nhằm mục đích xây dựng chuỗi cung ứng an toàn và đáng tin cậy, giảm tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế trước những cú sốc về nguồn cung và ưu tiên hàng đầu là xây dựng khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn.
Ảnh: Thanh Phạm
Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên như một điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói.
"Amkor - một công ty có trụ sở tại Arizona - sẽ sớm khai trương nhà máy lớn hiện đại ở Bắc Ninh để lắp ráp và thử nghiệm chất bán dẫn. Ở tỉnh Đồng Nai, một công ty Mỹ khác, Onsemi, sản xuất chip được sử dụng trong ô tô cách nửa vòng trái đất. Tại Khu Công nghệ cao Sài Gòn là cơ sở lắp ráp và thử nghiệm lớn nhất của Intel trên thế giới. Nhìn rộng hơn, Việt Nam và Mỹ đã hợp tác để củng cố chuỗi cung ứng bền vững với các quốc gia khác", bà Yellen dẫn chứng.
Bà Yellen cũng khẳng định, Mỹ tự hào tiếp tục hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam để xây dựng sự thịnh vượng kinh tế cho cả 2 quốc gia.
"Bất chấp lịch sử khó khăn và phức tạp, tôi vẫn lạc quan về tương lai kinh tế mà chúng ta đang cùng nhau xây dựng", Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhấn mạnh.