Thầy Vũ Văn Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội) cho rằng, bằng tốt nghiệp xếp loại giỏi, khá, trung bình sẽ phân loại năng lực học trò rõ nét hơn. Khi cào bằng năng lực tốt nghiệp, học sinh sẽ có tâm lý học tập thoải mái, ít có sức ép hơn.
Ở trường vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, học sinh tốt nghiệp THCS không xếp loại năng lực phần nào đó có tác động đến việc phân luồng, hướng nghiệp. Thực tế, qua các năm tư vấn hướng nghiệp cho thấy, đa số phụ huynh cho con học tiếp THPT, không muốn học nghề trong khi không nhìn nhận vào năng lực của con em không phù hợp phát triển theo con đường tiếp tục học tập.
Không ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học
Bà Đặng Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho rằng, với phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT như hiện nay, việc bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp không ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của thầy, trò.
Ở góc độ quản lý trường học, bà Hà thấy vui mừng vì quy định đã phần nào xóa bỏ được những vướng mắc lâu nay. Đó là, trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, hằng năm, đâu đó một số phụ huynh có ý kiến về việc giáo viên, trường THCS tư vấn theo hướng “ép” học sinh không đăng ký thi tuyển sẽ được tạo điều kiện xét tốt nghiệp THCS. Ngược lại, học sinh cố tình thi, giáo viên sẽ đánh giá “thẳng tay”, và với năng lực thật sự, một số em sẽ trượt tốt nghiệp.
“Đây là cách hiểu sai, với cách đánh giá, xét tốt nghiệp một lần như trước, phụ huynh rất áp lực vì không đủ điều kiện tốt nghiệp phải chờ đến lứa học sinh năm sau mới được đăng ký học, kiểm tra. Tuy nhiên, thi tuyển lớp 10 THPT hay không là quyền của học sinh. Ở bậc THCS, giáo viên, trường học có nhiệm vụ tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ sớm, trong đó giới thiệu thêm các con đường như học nghề, kết hợp học nghề, học văn hóa bậc THPT… để các em và gia đình lựa chọn, nhà trường không có quyền can thiệp. Quy định xét tốt nghiệp lần 2 tạo tâm lý thoải mái, thuận lợi cho phụ huynh, học sinh hơn trước”, bà Hà nói.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu cho rằng, hằng năm tỉ lệ học sinh chưa đủ điều kiện tốt nghiệp rất ít. “Thông thường, đợi đến năm học sau, các em quay lại đăng ký học, xét tốt nghiệp để có hướng học tiếp THPT nhưng cũng có em bỏ học. Do đó, quy định xét tốt nghiệp lần 2 sau khi có kế hoạch học bổ trợ trong 3 tháng hè là thuận lợi cho học sinh”, ông Hậu nói. |
Bằng tốt nghiệp chỉ ghi mức chung chung không tác động đến các ngã rẽ, lựa chọn khác nhau của học sinh. Việc bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp và điều chỉnh số lần xét tốt nghiệp là phù hợp trong bối cảnh đây là năm cuối cùng học sinh lớp 9 thi theo chương trình cũ. Những em không đủ điều kiện tốt nghiệp trong năm nay nếu không được xét tiếp lần 2 sẽ khó khăn trong năm tới vì lứa học sinh năm sau đã học theo chương trình, sách giáo khoa mới”, ông Hậu cho biết thêm.