Ngành y tế đã đánh giá tác động với 6 bệnh này, cho thấy tăng chi của quỹ BHYT lên rất nhiều.
"Với mức đóng 4,5% như hiện tại thì trong ngắn hạn, khả năng quỹ sẽ khó tải nổi, có thể trong 5 năm chi từ quỹ tăng cao đột biến. Tuy nhiên, khi chẩn đoán, sàng lọc sớm chúng ta tiết kiệm được chi phí điều trị của giai đoạn muộn (bao gồm số ngày giường điều trị tăng, tăng tỷ lệ sử dụng kháng sinh, các thuốc đắt tiền…).
Trong ngắn hạn, tiền quỹ có thể tăng nhưng dài hạn chúng ta tiết kiệm được rất nhiều chi phí khác trong đó có thuốc, theo ước tính tiền thuốc chiếm hơn 20% cơ cấu chi của BHYT", bà Trang cho hay.
Theo bà Trang, chi phí cho sàng lọc ung thư cổ tử cung khoảng từ 2,6 - 3 nghìn tỷ đồng/năm; với ung thư vú là 2,5 - 5,3 nghìn tỷ đồng/năm. Nhiều quốc gia cũng đã thực hiện chi trả bảo hiểm y tế cho bệnh này.
Trong khi đó, chi phí điều trị trung bình/năm của người bệnh ung thư cổ tử cung ở các giai đoạn từ I đến IV lần lượt là 89,8 triệu, 136,9 triệu, 138,4 triệu và 136,8 triệu đồng/năm. Do đó, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm (giai đoạn I), người bệnh sẽ tiết kiệm từ 47 đến 48,6 triệu đồng/năm so với người bệnh phát hiện ở các giai đoạn muộn hơn.
Đối với bệnh ung thư vú, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, người bệnh sẽ tiết kiệm từ 7,9 đến 18,3 triệu đồng/năm so với người bệnh phát hiện ở các giai đoạn muộn hơn.
Bà Trang cho rằng, số tiền người bệnh và BHYT đồng chi trả khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn sẽ tốn kém hơn rất nhiều. Bởi vậy, việc sàng lọc bệnh sớm có thể sẽ gây gánh nặng lên quỹ BHYT trong thời gian đầu nhưng sau đó sẽ giúp giảm chi phí điều trị chuyên sâu. Vì vậy, sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến quỹ trong tương lai.