Bồi dưỡng giáo viên đòi hỏi linh hoạt, phù hợp thực tế

27/06/2023, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tự học và bồi dưỡng không chỉ là nhiệm vụ, mà còn trở thành nhu cầu thiết thực để giáo viên nâng cao kỹ năng chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD.

Là một trong những giáo viên đầu tiên triển khai chương trình mới tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, huyện Cư Jút (Đắk Nông), cô Trương Thị Hoa cho biết bản thân luôn cố gắng học tập, tìm hiểu các phương pháp giảng dạy, đánh giá mới nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Cô Hoa chia sẻ, trường có nhiều học sinh dân tộc nên việc truyền thụ kiến thức cũng khác biệt so với giảng dạy một lớp đều là học sinh người Kinh. Bởi lẽ học sinh còn hạn chế trong việc giao tiếp tiếng phổ thông và tính cách nhút nhát, rụt rè so với bạn bè đồng trang lứa. Do đó, giáo viên phải linh hoạt vận dụng các phương pháp khác nhau với từng đối tượng học sinh.

Để làm được điều này, ngoài tập huấn theo chương trình mới, giáo viên phải chủ động tự bồi dưỡng qua nhiều hình thức như Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến LMS, tài liệu trên Internet, học hỏi từ đồng nghiệp gặp chung vấn đề. Từ đó, giáo viên cần chắt lọc kiến thức tự bồi dưỡng kỹ càng để ứng dụng vào thực tế.

Ngoài ra, việc tự bồi dưỡng cần diễn ra thường xuyên, liên tục nên giáo viên phải sắp xếp thời gian tự học khoa học. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ đồng nghiệp tại trường và trên địa bàn huyện trong thời gian tập huấn, giảng dạy có thể giúp giáo viên nắm chắc chương trình tổng thể, liên tục mài giũa kiến thức để không đi vào lối mòn.

Cô Hoa nhìn nhận giáo viên phải nâng cao trách nhiệm, ý thức kỷ luật với việc tự bồi dưỡng để hoạt động này đạt hiệu quả, sâu sát, thiết thực. Việc tự học cũng gắn liền với chia sẻ, trao đổi thông tin với ban giám hiệu, tổ chuyên môn, đồng nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc hoặc học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên cô Phạm Thị Thanh Thảo, Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Ân Thi, Hưng Yên) được phân công dạy môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Ban đầu, cô Thảo không khỏi cảm thấy bỡ ngỡ. Để giảng dạy môn học mới, bên cạnh tham gia các chương trình tập huấn do ngành Giáo dục tổ chức, cô đã tích cực tự học, tự bồi dưỡng.

Với lợi thế sử dụng thành thạo Internet, cô Thảo thu thập video dạy thử nghiệm môn giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp, tài liệu giảng dạy để nghiên cứu và hỗ trợ giảng dạy. Ngoài ra, cô còn chủ động tìm hiểu và lồng ghép thông tin về các làng nghề, văn hóa truyền thống của địa phương để học sinh cảm thấy gần gũi, gắn bó với nội dung bài học.

Góp ý cho hoạt động tự bồi dưỡng, cô Thảo nhắc đến việc ban giám hiệu, tổ chuyên môn, giáo viên cốt cán và giảng viên các trường sư phạm cần tiếp tục quan tâm, đồng hành và kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho giáo viên dạy học chương trình mới. Về phía giáo viên cần nắm vững nội dung Chương trình, sách giáo khoa mới; chủ động tìm tòi, cập nhật khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và phương tiện dạy học.

Trong quá trình tập huấn, thầy Lê Văn Vỹ tâm đắc với nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Ở giai đoạn dịch Covid-19, thầy giáo đã mày mò công nghệ mới để dạy học trực tuyến nên đến nay, không gặp nhiều khó khăn khi giảng dạy. Thầy thường tổ chức các trò chơi nhỏ trước giờ dạy như xác định vị trí đối tượng địa lý trên bản đồ, phân biệt các biểu đồ địa lý... bằng nhiều phần mềm công nghệ.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/boi-duong-giao-vien-doi-hoi-linh-hoat-phu-hop-thuc-te-post644209.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/boi-duong-giao-vien-doi-hoi-linh-hoat-phu-hop-thuc-te-post644209.html
Bài liên quan

(1) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bồi dưỡng giáo viên đòi hỏi linh hoạt, phù hợp thực tế