Bồi dưỡng khả năng lãnh đạo cho trẻ như thế nào cho đúng?

Hà Minh | 10/12/2023, 06:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Khả năng lãnh đạo là hội tụ của cùng lúc nhiều kỹ năng mềm khác nhau: tổ chức, chỉ đạo, đàm phán… Do đó, cha mẹ phải hiểu thế mạnh của con để cùng con hoàn thiện kỹ năng mỗi ngày, trở thành người lãnh đạo trong tương lai.

day-con-lanh-dao.jpg
Bồi dưỡng khả năng lãnh đạo cho trẻ như thế nào cho đúng?

Mạnh dạn quyết định, nổi bật giữa đám đông

Một nhóm bé gái chừng 12 tuổi bị lạc đường khi đi chơi. Sau khi trải qua một đêm sợ hãi, một cô bé vừa khóc vừa nói: “Mọi người không tìm thấy chúng mình. Chúng mình sẽ chết mất”. Nhưng một cô bé khác lại nói: “Chúng ta không thể chết được. Mình nghe mọi người nói, nếu men theo sông nhỏ thì có thể tới sông lớn, sau đó có thể tìm thấy thành phố và thị trấn. Mọi người hãy đi với tôi”. Chúng đã men theo dòng sông một cách khó khăn. Cuối cùng, chúng cũng nghe thấy tiếng người. Bọn trẻ cùng nhau hô to, và được mọi người cứu giúp.

Con có thể mạnh dạn trở thành người lãnh đạo nhóm như cô bé thứ hai không? Nếu làm được như vậy chứng tỏ con đã có khả năng lãnh đạo. Việc của cha mẹ là hãy khuyến khích con, bồi dưỡng kỹ năng cần thiết để chúng phát huy những tố chất sẵn có, tự tin thể hiện bản thân.

Khả năng lãnh đạo không phải do trời phú cho mà là do bồi dưỡng mà có. Những đứa trẻ có năng lực này rất chủ động, hiếu kỳ, thích và muốn thực hiện những hoạt động mới lạ, luôn luôn trở thành nhân vật trung tâm, nhiệt tình, tinh tế và tràn đầy tự tin. Chúng cũng thích là người “đứng đầu” trong các trò chơi đồng đội, dẫn dắt và cùng đội giành được chiến thắng.

Mong muốn chinh phục thế giới vốn là bản tính của con người. Trẻ em cũng không ngoại lệ. Chúng muốn thu hút được sự chú ý của người khác và muốn được trở thành một người tài lãnh đạo tài ba. Một đứa trẻ có khuynh hướng lãnh đạo như vậy mới có thể đảm nhận công việc của một cán bộ lớp ở trường.

Là cha mẹ, nếu con mình được chọn làm cán bộ lớp thì nên vui mừng. Vị trí lớp trưởng là bước khởi đầu rất tốt để con rèn luyện kỹ năng, trưởng thành hơn mỗi ngày.

Môi trường học đường cũng là nơi giúp trẻ phát triển hài hoà và toàn diện các kỹ năng cá nhân, kỹ năng xã hội, kiến thức và bản lĩnh, sẵn sàng trở thành người lãnh đạo tài ba trong tương lai.

day-con-lanh-dao-2.jpg
Ảnh minh hoạ.

7 điều cha mẹ cần làm khi phát hiện con có tố chất lãnh đạo

Ngay khi nhận thấy con mình có tố chất lãnh đạo, cha mẹ hãy làm những điều sau để khuyến khích con.

Một là, khuyến khích trẻ hăng hái phát biểu ý kiến, bộc lộ suy nghĩ của mình trong giờ học. Hãy dạy cho trẻ mở đầu mỗi khi phát biểu bằng thuật ngữ: “Tôi cho rằng”, “Tôi nghĩ” để khơi dậy cho trẻ ý thức bản thân và trách nhiệm của trẻ.

Hai là, dạy trẻ cách bộc lộ mình trước đám đông. Điều này đòi hỏi cha mẹ phải dạy trẻ cách sử dụng kỹ năng nói và kỹ năng hình thể cũng như thần thái khi thuyết trình trước nhiều người.

Ba là, tạo cho trẻ cơ hội để rèn luyện khả năng lãnh đạo. Hãy để chúng rèn luyện trong môi trường chúng thích. Có những đứa trẻ thích là người dẫn đầu ở các hội, nhóm nhỏ. Có những đứa trẻ thích là người tổ chức trong lớp học. Cha mẹ cần phát hiện và giúp con, tạo điều kiện cho con phát huy năng lực trong môi trường phù hợp để củng cố sự tự tin của con.

Bốn là, gia đình hãy chơi trò chơi tổ chức như làm lớp rèn luyện tài năng lãnh đạo cho trẻ. Cha mẹ dạy trẻ cách sắp xếp vị trí của các đại biểu hội nghị trong hội trường, cách thức thảo luận giữa người lãnh đạo và hội viên. Cha mẹ bàn luận với con về cách thức tổ chức một lớp học như thế nào. Nếu có thể, hãy để trẻ chủ trì một cuộc họp gia đình. Sau đó, trẻ sẽ tự tổng kết cuộc họp. Trẻ sẽ tự rút kinh nghiệm cho bản thân và tìm ra các giải pháp phù hợp cho các đội nhóm của mình.

Năm là, cha mẹ hãy thường xuyên tìm hiểu và nghe trẻ nói về ý tưởng của mình. Người lãnh đạo rất giàu ý tưởng, có trí tưởng tượng phong phú, đồng thời có thể giải thích cho người khác một cách hợp lý. Từ đó, người lãnh đạo gây ảnh hưởng đến người khác, chỉ rõ được phương hướng cho người khác. Cho nên, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ hình thành những ý tưởng, phát huy ý tưởng và thực hiện ý tưởng một cách có hiệu quả.

Sáu là, cần rèn luyện cho trẻ tư duy dự đoán. Khi trẻ gặp khó khăn cần sự giúp đỡ, cha mẹ không nên giải quyết giúp chúng ngay lập tức mà nên khuyến khích trẻ: “Con có thể nghĩ cách khác không?” Suy nghĩ và giải quyết vấn đề từ góc độ khác. Tư duy dự đoán là một trong những tiêu chí của khả năng lãnh đạo nên cần thiết phải khuyến khích con mình như: “Nếu con làm việc này thì thế nào?”.

Bảy là, nếu có cơ hội, cha mẹ hãy động viên con tham gia làm cán bộ lớp. Vào thời điểm thích hợp, cha mẹ nên cổ vũ và giúp con tranh cử làm cán bộ lớp. Sau khi trúng cử, cha mẹ có thể cùng con vạch ra cách thức để thực hiện mục tiêu lãnh đạo lớp.

Mầm cây dù nhỏ bé thế nào nhưng chỉ cần được chú ý vun trồng thì cũng có thể trở thành cây đại thụ lớn. Con trẻ cũng vậy, nếu được giáo dục một cách khoa học thì cũng có thể trở thành một người lãnh đạo có tài năng kiệt xuất./.

Bài liên quan
Giúp trẻ tự tin khi phát biểu trước đám đông
(GDTĐ) - Nói trước đám đông có thể khiến trẻ cảm thấy sợ. Cha mẹ có thể áp dụng một số phương pháp để giúp trẻ tự tin hơn khi phát biểu trước đám đông.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bồi dưỡng khả năng lãnh đạo cho trẻ như thế nào cho đúng?