Bom nhiệt áp “cha của các loại bom”

25/04/2024, 21:21
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đầu tháng 4/2024, tiêm kích Su-34 của Nga đã dội bom nhiệt áp loại ODAB-500 xuống các cứ điểm của lực lượng Ukraine. Trước đó, vào hôm 16/3, Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố, lực lượng nước này đã thực hiện cuộc tấn công chính xác từ trên không nhằm vào địa điểm triển khai của nhóm Kraken (đơn vị đặc nhiệm của Tổng cục Tình báo quốc phòng Ukraine) và tiêu diệt tới 300 binh sĩ.

Sau đó, nhiều quốc gia khác cũng bắt tay vào nghiên cứu hoàn thiện và đưa loại vũ khí này ra chiến trường sử dụng. Trong Chiến tranh Lạnh, hai siêu cường quân sự lúc đó là Mỹ và Liên Xô đều đã nghiên cứu thành công và đưa ra chiến trường các loại vũ khí nhiệt áp của riêng họ. Với Mỹ, công tác nghiên cứu các thiết bị nổ nhiên liệu - không khí (FAE) được tiến hành chủ yếu tại Trung tâm nghiên cứu vũ khí của Hải quân (US Naval Weapons Center) đặt tại China Lake, California và kết quả là quân đội xứ cờ hoa sau đó đã sở hữu một loạt vũ khí dạng này.

Một trong những vũ khí nhiệt áp nổi tiếng nhất mà quân đội Mỹ từng sở hữu là bom BLU-82. Có khối lượng lên tới 6.800 kg, quả bom này chứa 5.700 kg hỗn hợp bột nhôm, ammonium nitrate và polystyrene. Vì kích thước quá khổ như thế nên thường BLU-82 chỉ được mang bởi máy bay vận tải C-130. Khi tham chiến tại Việt Nam, quân đội Mỹ sử dụng BLU-82 cho các nhiệm vụ phát quang rừng rậm làm bãi đáp cho trực thăng nên những quả bom khổng lồ này thường được gọi là bom phát quang.

Ống phóng và đạn tên lửa nhiệt áp RRPO-A Shmel (ong nghệ) của Liên Xô. Ảnh: Wiki.

Ống phóng và đạn tên lửa nhiệt áp RRPO-A Shmel (ong nghệ) của Liên Xô. Ảnh: Wiki.

Tại chiến trường Afghanistan, các loại vũ khí nhiệt áp cũng được quân Mỹ sử dụng nhằm chống lại những chiến binh Taliban vốn hay ẩn nấp trong các hang động ngầm. Không chỉ có các loại bom cỡ lớn, quân đội Mỹ cũng sở hữu nhiều vũ khí nhiệt áp cỡ nhỏ như đạn XM 1060 dùng cho súng phóng lựu cỡ nòng 40mm, đạn rocket cho súng chống tăng cá nhân MK 153 SMAW hoặc một phiên bản đặc biệt của tên lửa chống tăng trứ danh AGM-114N Hellfire.

Không chịu thua kém, Liên Xô cũng bắt tay nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí nhiệt áp cho riêng mình. Hoạt động này vẫn tiếp tục đến nay và quân đội Nga hiện được cho là đang sở hữu các loại vũ khí nhiệt áp thế hệ thứ 4 với chủng loại vô cùng đa dạng. Trong đó, độc đáo nhất phải kể đến RMG là biến thể của súng chống tăng RPG -26 sử dụng đầu đạn tích hợp với một đầu nổ lõm phát nổ tạo ra một khe cho đạn nhiệt áp đi vào sâu bên trong. Theo số liệu, đầu đạn của RMG có thể xuyên qua 300mm bê tông hoặc 100mm giáp thép dạng cuộn. Ngoài ra một số nguồn tin thân cận với quân đội Nga cho biết, quốc gia này cũng có một biến thể nhiệt áp cho loại rocket hàng không 80mm là S-8DM và S-8DF.

Vũ khí nhiệt áp đã được quân đội Nga sử dụng trong chiến dịch tại Syria. Còn trong cuộc xung đột tại Ukraine, các phương tiện phóng đạn nhiệt áp như pháo phản lực TOR-1A hay BM-30 Smerch cũng đã tham chiến từ những ngày đầu tiên. Với loại bom ODAB-500 mới được quân đội Nga sử dụng tại chiến trường Ukraine, chúng được gắn mô-đun UMPK - một bộ chuyển đổi giúp biến các loại bom thông thường thành bom lượn được được dẫn đường bằng laser và vệ tinh. Theo ông Alexei Leonkov, một chuyên gia quân sự của Nga, những quả bom nhiệt áp ODAB-500 được nâng cấp này là một vũ khí cực mạnh khi nó có thể xuyên qua những lớp bê tông cốt thép dày trước khi phát nổ trong một không gian kín đảm bảo khả năng tiêu diệt khí tài và nhân lực đối phương.

Bom nhiệt áp ODAB-500. Ảnh:Sputnik.

Bom nhiệt áp ODAB-500. Ảnh:Sputnik.

Với uy lực mạnh, vũ khí nhiệt áp thực sự rất nguy hiểm, nhưng chúng cũng tồn tại điểm yếu cố hữu đó là dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài. Đây được coi là “gót chân Achilles” của vũ khí nhiệt áp. Nguyên nhân là do cần tạo ra một "đám mây" nhiên liệu dễ cháy nên trong điều kiện bên ngoại bất lợi (chẳng hạn có gió mạnh) khiến mật độ nhiên liệu không đủ dày để vụ nổ nhiệt áp xảy ra. Ngược lại, khi mật độ quá dày khiến lượng oxy trong không khí thời điểm đó không đủ cho phản ứng cháy xảy cũng khiến vũ khí nhiệt áp trở nên vô dụng. Nhiều thông số khác cũng góp phần vào khả năng phát nổ của đám mây nhiên liệu được tạo ra từ vũ khí nhiệt áp như độ ẩm không khí và loại nhiên liệu mà nó được tạo thành, sức mạnh của nguồn đánh lửa, điều kiện tự nhiên khi đám mây được tạo thành và cấu trúc của đám mây... Dù đã trải qua hàng chục năm phát triển, song điểm yếu trên của vũ khí nhiệt áp được cho là rất khó khắc phục.

Từ khi xung đột quy mô lớn bùng phát, chiến trường Ukraine đã chứng kiến những “màn chào sân” của hàng loạt loại vũ khí tiên tiến từ cả hai bên như pháo phản lực M142 HIMARS, tên lửa hành trình Storm Shadow, hệ thống phòng không MIM-104 Patriot, hay các loại xe tăng chiến đấu chủ lực trứ danh của Phương Tây như Leopard II, Challenger 2, M1 Abrams đến các loại mang tính năng đột phá như vũ khí siêu thanh như tên lửa KH-47 M2 Kinzhal, 3M22 Zircon của Nga.

Có rất nhiều loại đã được ca ngợi là “vũ khí thần thánh” khi giúp bên sử dụng đạt được thành công bước đầu song vẫn không thể thay đổi hoàn toàn cục diện chiến trường. Có lẽ cho đến cuối cùng, mọi loại vũ khí dù tinh vi đến đâu vẫn tồn tại những điểm yếu, chỉ có con người mới là yếu tố quyết định trong một cuộc chiến lâu dài, điều này chắc chắn cũng đúng với các bom nhiệt áp mà Nga mới đưa vào sử dụng tại chiến trường Ukraine gần đây.

Theo www.24h.com.vn
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/bom-nhiet-ap-cha-cua-cac-loai-bom-c415a1562924.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/bom-nhiet-ap-cha-cua-cac-loai-bom-c415a1562924.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bom nhiệt áp “cha của các loại bom”