Hiện, chưa có hội thảo khoa học nào về bữa ăn học đường với sự tham gia của nhiều ngành và chuyên gia trong lĩnh vực này. Theo tôi, các nhà quản lý liên quan đến ngành Giáo dục, Nội vụ, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính... cần tổ chức hội thảo để thấy được trách nhiệm từng ngành đối với bữa ăn học đường; từ đó đưa ra giải pháp tối ưu và phù hợp nhất.
Ở những vùng có điều kiện kinh tế, xã hội thuận lợi, phát triển, phụ huynh khá giả sẵn sàng đóng góp để học sinh có bữa ăn tươm tất, chất lượng. Tuy nhiên, vùng nông thôn, miền núi khó khăn nên bữa ăn học đường chưa đảm bảo về chế độ dinh dưỡng. Theo đó, các em thiệt thòi hơn so với thành thị. Vì thế, lý tưởng nhất là được Nhà nước, doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ một phần vào bữa ăn học đường cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông; trong đó cần quan tâm, ưu tiên trẻ em và học sinh vùng nông thôn, miền núi…
- Với khâu quản lý về an toàn thực phẩm, PGS có đề xuất giải pháp gì?
- Ngoài trách nhiệm của hiệu trưởng, cần nhấn mạnh vai trò, nhiệm vụ của nhân viên y tế trường học. Theo đó, họ có trách nhiệm kiểm tra chế độ thực đơn; từ vệ sinh thực phẩm trước khi chế biến đến khi nấu chín và phân phối đến học trò. Ngoài ra, cần gắn trách nhiệm của người được phân công công việc cấp dưỡng.
Hiệu trưởng cần tập trung sâu sát vào công tác quản lý quá trình làm bữa ăn như thế nào, có đảm bảo an toàn hay không để kịp thời chấn chỉnh. Mỗi bữa ăn phải lưu lại mẫu để kiểm định chất lượng. Một số vụ xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học, một phần do khâu quản lý chưa tốt.
- Còn về công tác kiểm tra, giám sát bữa ăn học đường thì sao, thưa PGS?
- Hiện có những văn bản liên quan đến bữa ăn học đường, từ chế độ dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm, định lượng, thậm chí có cả thực đơn mẫu… Tôi được biết, Bộ GD&ĐT phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội làm nghiên cứu về bữa ăn học đường. Nghiên cứu đưa ra 120 mẫu thực đơn theo từng lứa tuổi và chọn lọc theo đối tượng, hoàn cảnh. Tuy nhiên, việc này không dễ làm.
Tôi nhấn mạnh, phải siết chặt hơn nữa khâu kiểm soát an toàn thực phẩm. Các đơn vị như: Y tế, giáo dục phải để ý khâu này, song quan trọng nhất là người làm trực tiếp tại cơ sở giáo dục; trong đó có vai trò của hiệu trưởng, hiệu phó, nhân viên y tế học đường, giáo viên chủ nhiệm lớp và những người liên quan.
Nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm hoặc sai phạm liên quan đến bữa ăn học đường, cần có hình thức kỷ luật thích đáng. Nhẹ nhất là khiển trách, nhắc nhở, nặng hơn phải áp dụng theo các chế tài của pháp luật, thậm chí có thể xử lý hình sự nếu cần.
- Xin cảm ơn NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh!
Cần nhấn mạnh vai trò của phụ huynh. Theo đó, phụ huynh được quyền giám sát bữa ăn học đường. Muốn vậy, nhà trường phải công khai thực đơn hằng ngày. Đặc biệt, cần nêu gương các nhà giáo nỗ lực vì học trò, xử lý nghiêm cá nhân tư lợi từ bữa ăn học đường. - NGND.PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh