Theo chia sẻ của ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên - Trưởng phòng GD&ĐT TP Thủ Đức, đây là căn cứ để phòng quản lý thực tế bữa ăn của học sinh. Trong trường hợp phụ huynh phản ánh thức ăn không đảm bảo, chúng tôi có dữ liệu để so sánh, đánh giá. Yêu cầu các trường gửi hình ảnh về phòng để kiểm soát bữa cũng là cách để hiệu trưởng, lãnh đạo các trường coi việc thực hiện bữa ăn bán trú là nhiệm vụ quan trọng, từ đó không lơ là và kiểm soát tốt hơn.
Còn theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, cơ chế giám sát và kiểm tra thường xuyên là biện pháp quan trọng để phòng ngừa tiêu cực, đảm bảo bữa ăn của học sinh đủ đầy theo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, giám sát ở trường vùng cao còn gặp nhiều rào cản do địa thế nơi đặt trường học, cách xa cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương, thậm chí cả gia đình học sinh.
“Tôi nghĩ, với đặc thù vùng cao, giám sát của nội bộ trường là quan trọng nhất. Giám sát nội bộ thể hiện qua việc thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ từ giáo viên đến ban giám hiệu; nhân viên nấu ăn đến phân chia khẩu phần; công khai tài chính đến rõ ràng, minh bạch tiêu chuẩn…
Bữa ăn bán trú của các em không chỉ là nguồn ngân sách Nhà nước cấp mà có thể từ nguồn tài trợ, hỗ trợ nên việc quản lý, kiểm tra tuân thủ theo quy định tài chính, kế toán là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Mong rằng qua trường hợp ở ngôi trường tại huyện Bắc Hà vừa xảy ra, các địa phương vùng cao, xa có sự quan tâm hơn trong công tác giám sát, kiểm tra để đảm bảo bữa ăn học sinh đúng tiêu chuẩn”, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ chia sẻ.
Tương tự, thầy Phan Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trường Tộ (Quận 4, TPHCM) cho hay, công tác tổ chức bữa ăn bán trú luôn được ban giám hiệu đặc biệt chú trọng. Mỗi ngày, lúc 10 giờ, ban giám hiệu sẽ ăn thử đồ ăn và có nhận xét. Khi học sinh ăn trưa, thầy cô chủ nhiệm và bảo mẫu phải xem trò ăn uống thế nào, ăn có ngon không...
“Ban giám hiệu cũng như giáo viên muốn gần gũi học sinh để biết bữa ăn có được cung cấp theo yêu cầu thực đơn, dinh dưỡng hay không. Chúng tôi luôn xác định các khâu đều quan trọng, nhưng quan trọng nhất là sự sâu sát của lãnh đạo nhà trường”, thầy Tuấn chia sẻ.
ThS Lê Ngọc Điệp - nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT TPHCM) đề xuất: “Tôi mong việc tổ chức hoạt động bán trú tại các cơ sở giáo dục phải khoa học, an toàn. Đồng thời đề nghị ngành Giáo dục có bộ phận chuyên trách công tác bán trú.
Bộ GD&ĐT nên có chuyên ngành đào tạo, bồi dưỡng chức danh như hiệu phó phụ trách bán trú, bếp trưởng, bảo mẫu, giám thị… để họ có chuyên môn và trình độ trong việc tổ chức ăn, ngủ, vệ sinh tại trường bán trú, nội trú. Bởi học sinh an toàn, khỏe mạnh, phát triển để học tập tốt là điều các trường học luôn mong muốn thực hiện và xã hội, phụ huynh quan tâm”.