Một số cơ sở GD bậc cao đẳng, trung cấp tại TPHCM đã tuyển sinh được khoảng 70% chỉ tiêu, trong khi ở nhiều nơi tuyển sinh vẫn còn khá ảm đạm.
Ông Nguyễn Đắc Hiển, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương cho hay, chỉ tiêu năm nay của trường là 750 nhưng tính đến thời điểm hiện tại trường đã tuyển được khoảng 500 chỉ tiêu.
“Mọi năm thời điểm này trường mới tuyển được khoảng chừng 300 chỉ tiêu. Nhìn chung tình hình năm nay tuyển sinh nhanh, tốt hơn so với năm trước. Hiện các bạn này đã hoàn tất các thủ tục, học phí đầy đủ và sẵn sàng nhập học”, ông Hiển nói.
Cũng theo ông Hiển, kế hoạch của Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương là tuyển sinh từ nay đến hết tháng 8, dự kiến sẽ đạt 550 - 600 chỉ tiêu. Còn lại khoảng 150 chỉ tiêu sẽ được tuyển sinh trong tháng 9. “Dự kiến đến hết tháng 9 sẽ tuyển đủ chỉ tiêu”, ông Hiển thông tin thêm.
ThS Phan Vũ Nguyên Khương, Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng nghề TPHCM cho hay, năm học 2024 - 2025 trường tuyển sinh 4.810 chỉ tiêu, trong đó hệ cao đẳng và trung cấp là 1.810 chỉ tiêu và đào tạo thường xuyên 3.000 chỉ tiêu, với 14 ngành đào tạo. Hiện tại, chỉ tiêu tuyển sinh trung cấp đã đủ, riêng hệ cao đẳng vẫn thiếu, mới tuyển được 200 chỉ tiêu. “Thí sinh đang còn chờ kết quả tuyển sinh đại học nên tuyển sinh cao đẳng còn phải chờ”, bà Khương nói và cho biết trường sẽ tiếp tục tuyển sinh đến hết tháng 11.
Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM là 3.030 sinh viên, nhưng đến nay mới đạt khoảng 60%. ThS Trần Văn Tú, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, một trong những lý do hàng đầu khiến việc tuyển sinh khó khăn chính là nhiều phụ huynh, học sinh vẫn còn đặt nặng vấn đề phải học đại học mới thành công. Đặc biệt, theo ông Tú, hiện số lượng chỉ tiêu tuyển sinh vào đại học quá lớn, trường đại học rộng cửa với nhiều phương thức tuyển sinh, vì đó giáo dục nghề nghiệp không thu hút được sinh viên.
Trong bối cảnh tuyển sinh vẫn đang gặp nhiều khó khăn, các trường vẫn đang nỗ lực tư vấn tuyển sinh để kiếm đủ chỉ tiêu. ThS Phan Thị Lệ Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông cho hay, hiện nhà trường mới tuyển được khoảng 50% chỉ tiêu chia làm 2 đợt. Cụ thể đợt 1 vào ngày 22/7 nhập học cho các em học sinh hệ trung cấp (hệ 9+) và ngày 5/8 nhập học cho thí sinh tốt nghiệp THPT. Trường vẫn còn đợt nhập học vào ngày 19/8, đợt cuối sẽ rơi vào cuối tháng 8 rồi kết thúc mùa tuyển sinh năm nay.
“Rất khó để nhận định năm nay có tuyển đủ chỉ tiêu hay không vì trường cũng đang gặp nhiều khó khăn. Trước hết là do nhà trường không nằm trong hệ thống hỗ trợ xét tuyển của Bộ GD&ĐT nên nhiều học sinh lo lắng rằng trường không chính quy. Trong khi đó, hầu như các trường phổ thông cũng không giải thích rõ cho học sinh về vấn đề này nên các em rất hoang mang.
Thứ hai, năm nay số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển ở các trường đại học tăng rất nhiều, nhiều bạn chỉ 17 điểm nhưng vẫn chờ kết quả đại học. Thứ ba, các trường đại học có quá nhiều phương thức xét tuyển, xét tuyển mở rộng nên cũng là nguyên nhân khiến các trường cao đẳng, trường nghề thêm khó khăn tuyển sinh”, bà Thu phân tích.
Ông Nguyễn Chí Thành, Trưởng phòng Giáo dục Nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, kết quả tuyển sinh các hệ đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2024 tại thành phố đạt tỷ lệ 42,58% so với kế hoạch năm, vượt 12% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, các nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng chiếm tỷ trọng lớn, các trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm tỷ trọng thấp.
Cụ thể, trình độ cao đẳng có 4.624/40.000 người học, đạt 11,56% kế hoạch năm, thấp hơn 1,94% so với cùng kỳ năm 2023. Trình độ trung cấp có 3.821/25.000 người học, đạt 15,28% kế hoạch năm, thấp hơn 42,17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giải thích lý do các đơn vị trường cao đẳng, trường nghề còn gặp khó trong tuyển sinh, ông Thành cho rằng, 7 tháng đầu năm là thời điểm tuyển sinh của các trường đại học, các trường THPT ngoài công lập nên việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bị cạnh tranh.
Kết quả tuyển sinh các trình độ cao đẳng, trung cấp thấp là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt, thông tin của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT nên học sinh tốt nghiệp THPT và phụ huynh không có điều kiện để tiếp cận, tìm hiểu hoặc tạo ra tâm lý băn khoăn về chất lượng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Một nguyên nhân nữa được đại diện Sở LĐ-TB&XH TPHCM chỉ ra là còn có đơn vị thực hiện công tác tuyển sinh không hiệu quả, chưa thu hút người học. Nhiều đơn vị không thực hiện việc cập nhật báo cáo định kỳ hàng tháng trên hệ thống thông tin điện tử nên số liệu chưa phản ánh đầy đủ kết quả tuyển sinh của các đơn vị.
“Đặc biệt, công tác theo dõi, đánh giá hiệu quả sau đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa thực hiện hiệu quả. Ít nắm bắt được tình hình có việc làm của người học sau tốt nghiệp, đặc biệt là những người học có việc làm phù hợp với nghề đã được đào tạo. Điều này, một phần sẽ làm cho các cơ sở giáo dục không có minh chứng cụ thể cho chất lượng đào tạo của đơn vị, tính thuyết phục và hiệu quả trong công tác truyền thông chưa cao, dẫn đến việc tuyển sinh không đạt chỉ tiêu đề ra”, ông Thành nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Chí Thành, Trưởng phòng Giáo dục Nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH TPHCM cũng cho rằng kết quả này phần nào làm cho công tác theo dõi, thống kê chỉ số “lao động đang làm việc đã qua đào tạo có chứng chỉ, chứng nhận” thiếu đầy đủ, đánh giá chưa đúng thực trạng kỹ năng nghề của lực lượng lao động thành phố.
Trên địa bàn TPHCM, quy mô đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp hiện nay khoảng 430.690 người học (trình độ cao đẳng: 194.310 người học; trình độ trung cấp: 131.358 người học; trình độ sơ cấp - đào tạo thường xuyên: 105.022 người học). Tổng số lao động đã qua đào tạo đến tháng 7 năm 2024 là 4.312.342/4.905.886 người, đạt tỷ lệ 87,90%, tăng 1,82% so với cùng kỳ năm 2023.