Bước chân di sản tôn vinh văn hóa Việt

Trần Hoà | 22/09/2022, 08:41
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Lấy cảm hứng về các giá trị truyền thống, show diễn 'Bước chân di sản' sẽ đến từng vùng miền để tôn vinh văn hóa Việt.

Đưa thời trang đến với di sản

Mặc dù, đến ngày 20/10 show diễn mới bắt đầu, nhưng hiện tại ê-kíp chương trình đã lên kế hoạch bài bản và chi tiết để lựa chọn người mẫu. Hơn 300 bạn trẻ từ nhiều tỉnh thành đã tập trung về sảnh Bảo tàng Hồ Chí Minh vào sáng 20/9, để tham gia thi tuyển chọn 60 người mẫu trình diễn trong show thời trang đầu tiên.

Đạo diễn Hoàng Công Cường cho biết, trước đây chương trình thời trang tại thác Bản Giốc (Trùng Khánh - Cao Bằng) đã tạo nhiều hiệu ứng tích cực, du khách hiểu thêm về văn hóa bản địa còn điểm đến được biết đến rộng rãi hơn. Vì vậy, chương trình “Bước chân di sản” lần này mong tiếp tục lan tỏa những giá trị đẹp nhất của Việt Nam ra thế giới.

“Mỗi show thời trang, mỗi chủ đề sẽ gắn với một điểm đến Việt Nam. Các nhà thiết kế sẽ lấy cảm hứng từ di sản văn hóa và vẻ đẹp địa phương. Qua đó, khi show đi đến đâu thì nơi đó được khán giả đón nhận và nhiều người biết tới hơn. Trong tương lai, chương trình “Bước chân di sản” sẽ được đưa ra nước ngoài”, đạo diễn Hoàng Công Cường cho biết.

Lựa chọn Bảo tàng Hồ Chí Minh để thực hành nghệ thuật thời trang được xem là một chuyện mới lạ chưa từng có. Ông Vũ Mạnh Hà - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho rằng, bảo tàng có chức năng và nhiệm vụ chính là giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho mọi người - đặc biệt là thế hệ trẻ.

Vì đối tượng hướng đến là thế hệ trẻ, nên bảo tàng phải tìm cách đổi mới rất nhiều hoạt động. Làm sao để nhiệm vụ giáo dục thanh thiếu niên sẽ không giáo điều mà tư tưởng của Bác phải đi sâu một cách tự nhiên vào nhận biết, tình cảm của các thế hệ trẻ.

Bởi thế, bảo tàng cho phép phối hợp tài trợ các hoạt động văn hóa có sự lựa chọn kỹ lưỡng, không biến bảo tàng thành điểm trình diễn thời trang nhưng có thể thành địa điểm để các bạn trẻ đến thi tuyển người mẫu cho một show thời trang quảng bá di sản đất nước. Đó cũng là cách để bảo tàng và công chúng gần gũi nhau hơn.

Show diễn 'Bước chân di sản' tôn vinh văn hóa Việt ảnh 1
Buổi tuyển lựa người mẫu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Giá trị bất biến của truyền thống

Theo đạo diễn Hoàng Công Cường, show diễn “Bước chân di sản” sẽ bắt đầu tại Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt (Bát Tràng - Hà Nội) vào ngày 20/10, với sự góp mặt của các nhà thiết kế uy tín trong làng thời trang Việt.

Về dự án quảng bá di sản bằng thời trang, ban tổ chức cho biết đây không phải là một show thời trang đơn lẻ. Dự án là một chuỗi trình diễn hàng năm, qua các miền di sản thiên nhiên và văn hóa của đất nước.

Những tinh hoa văn hóa đặc trưng của từng vùng miền sẽ là nguồn cảm hứng mãnh liệt dành cho các nhà thiết kế sáng tạo nên những tác phẩm thời trang độc đáo. Siêu mẫu Hạ Vy cho hay, chương trình đặt mục tiêu trở thành show thời trang đẳng cấp thế giới.

Mỗi bộ sưu tập (từ 15 – 20 mẫu) lấy ý tưởng, cảm hứng về các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống đều được các nhà thiết kế làm riêng để trình diễn. Sau chương trình mở màn ngày 20/10, chương trình sẽ tiếp tục thực hiện các show tại Tam Chúc (Hà Nam), Mù Cang Chải (Yên Bái) và nhà thờ đổ Nam Định.

Cho đến nay, thời trang lấy cảm hứng từ di sản hay văn hoá truyền thống không phải là mới. Các cuộc thi về áo dài, tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam - khi khoác lên mình tà áo truyền thống, góp phần vào nỗ lực quảng bá và truyền đi thông điệp về một đất nước giàu bản sắc.

Theo giới nghiên cứu, thời trang là lĩnh vực cần sự kết nối giữa con người và bản sắc văn hoá. Từ sự tan rã của xu hướng toàn cầu hóa, người làm thời trang đã bắt đầu nhìn nhận một cách nghiêm túc và sâu sắc hơn vào những thứ mà mình đã bỏ qua. Và đây là thời điểm để cùng chiêm nghiệm lại cách mà các nhà thiết kế Việt đã mang bản sắc Việt Nam vào thời trang, đồng thời tìm kiếm nguồn cảm hứng cho tương lai của thời trang Việt.

Hàn Quốc là đất nước quảng bá rất tốt về trang phục truyền thống Hanbok. Làn sóng văn hóa Hàn Quốc lan tỏa mạnh mẽ tới nhiều nước trên thế giới, nhưng thời trang truyền thống Việt Nam thì chưa được quảng bá tốt như vậy.

Dù ngành thời trang Việt Nam đi sau nhiều nước, nhưng cách thức vận hành đã và đang đúng hướng. Một nhánh chọn di sản là nơi quảng bá thời trang và ngược lại, để công chúng biết đến giá trị di sản. Nhánh khác chọn việc thiết kế mang âm hưởng và tâm hồn Việt lan tỏa ra thế giới.

Nhà thiết kế Minh Hạnh hay Thuỷ Nguyễn tiêu biểu trong số đó. Minh Hạnh từng giới thiệu những giá trị văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế thông qua các kiểu dáng trang phục. Điều làm cho cô thành công không chỉ bởi ý tưởng mới lạ, mà còn bởi cách xử lý chất liệu đa dạng, bố cục đẹp mắt - giúp cho những mẫu họa tiết cổ trở nên mới mẻ và thú vị.

Còn Thủy Nguyễn lại xây dựng thương hiệu trên nền tảng văn hóa Việt Nam. Điều đó đã giúp cô tách biệt với số đông, để kể câu chuyện truyền thống bằng chính những họa tiết thấm đẫm chất dân gian.

Giá trị Việt Nam, bất kể thời kỳ nào đều thật đẹp đẽ và giàu cảm hứng. Bằng sức sáng tạo và tư duy mới mẻ, thời trang Việt Nam chắc chắn sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên với những tác phẩm được thai nghén từ bản sắc. Và đó cũng có thể là hành trang cùng nghệ sĩ trên hành trình tiến ra biển lớn.

Bài liên quan
Thu Quỳnh, Hồng Diễm dắt tay nhau kết show thời trang
(GDTĐ) - Đêm diễn đầu tiên của chương trình VietNam Beauty Fahion Fest đã diễn ra với sự hội tụ của “vũ trụ nhan sắc” của các hoa á hậu đình đám tại Thái Nguyên.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bước chân di sản tôn vinh văn hóa Việt