Những năm gần đây, các kỳ thi đánh giá năng lực ngày càng tăng sức hút khi cả số thí sinh đăng ký dự thi và số trường sử dụng điểm thi để xét tuyển đều tăng. Trong mùa thi năm nay, cùng với mở rộng quy mô tổ chức, các đơn vị cũng đổi mới nội dung, cấu trúc đề thi đánh giá năng lực để phù hợp với cách tiếp cận của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tổ chức từ năm 2018 đến nay, Đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh là một kỳ thi riêng có quy mô lớn nhất cả nước. Tính đến thời điểm này, có hơn 100 trường đại học, cao đẳng trong và ngoài hệ thống Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển năm 2025. Trong đó, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh dự kiến dành 45% chỉ tiêu để xét tuyển bằng điểm kỳ thi đánh giá năng lực này, tùy theo đề án tuyển sinh của mỗi trường. Còn các trường ngoài hệ thống dành khoảng 10-20% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm kỳ thi này.
Kỳ thi năm nay tiếp tục được tổ chức thành 2 đợt tại 25 tỉnh, thành phố. Theo Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, kết thúc đăng ký dự thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2025, có hơn 128.000 thí sinh đã hoàn thành các thủ tục đăng ký và đóng lệ phí dự thi. Số này tăng hơn 34.000 so với số thí sinh dự thi cùng đợt năm 2024 và đông nhất trong các đợt thi từ trước đến nay.
Từ năm 2025, cấu trúc bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHồ Chí Minh được điều chỉnh phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đề thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm, thí sinh làm bài trên giấy trong 150 phút. Điểm của từng câu có số khác nhau, tùy thuộc vào độ khó, điểm tối đa của bài thi là 1.200 điểm. Cụ thể, đề thi giữ cấu trúc phần Sử dụng ngôn ngữ (Tiếng Việt, Tiếng Anh) và Toán học như các năm trước nhưng tăng số lượng câu hỏi để tăng độ tin cậy và độ phân biệt của bài thi.
Phần Logic-Phân tích số liệu và Giải quyết vấn đề ở đề các năm trước được cấu trúc gộp lại thành phần Tư duy khoa học. Phần này nhằm đánh giá năng lực của thí sinh về logic và suy luận khoa học khi giải quyết các tình huống thực tế thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội. Các câu hỏi trong phần này được xây dựng theo hướng cung cấp thông tin, số liệu, dữ kiện, hoạch định thí nghiệm, kết quả thực nghiệm, thông qua đó yêu cầu thí sinh thể hiện khả năng hiểu và vận dụng thông tin, xác định kết quả thực nghiệm, dự đoán quy luật.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phân tích, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018,ở bậc trung học phổ thông, bên cạnh các môn học bắt buộc, học sinh được tự chọn 4 trong 9 môn học khác để theo học. Trên lý thuyết, có tổng cộng 126 tổ hợp môn học có thể được học sinh lựa chọn và thực tế cách chọn môn học của học sinh trung học phổ thông ở các địa phương cũng rất đa dạng.Bên cạnh đánh giá chính xác năng lực học đại học của thí sinh, việc điều chỉnh cấu trúc đề thi năm nay cũng bảo đảm công bằng và tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học cho tất cả thí sinh, nhất là khi sự chọn lựa các môn học của các em rất đa dạng.
Bên cạnh kỳ thi của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, kỳ thi Đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm Thành phố cũng thu hút sự quan tâm rất lớn của học sinh. Kỳ thi được tổ chức lần đầu năm 2022 với khoảng 2.000 lượt thí sinh dự thi, đến năm 2024, số thí sinh tăng lên 8.500 lượt. Năm nay, Trường dựkiến tổ chức3 đợt thi theo quy mô lớn, đáp ứng khoảng 30.000 lượt thí sinh tham gia với 6 môn thi: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và Tiếng Anh. Thí sinh có thể lựa chọn một hoặc nhiều môn thi phù hợp với nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các ngành học.
Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh chia sẻ, đề thi năm 2025 được thiết kế với nhiều điểm cải tiến trong cấu trúc câu hỏi, nội dung kiến thức trên tinh thần bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đảm bảo đánh giá năng lực của thí sinh một cách toàn diện. Trong đó, phần nội dung kiến thức của chương trình lớp 12 chiếm 70-80%, phần còn lại là nội dung kiến thức của chương trình lớp 10 và 11. Bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh sẽ tiếp cận theo định dạng bài thi đánh giá năng lực từ bậc 3 đến bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Năm nay Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh tiếp tục sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt của trường với điểm học tập trung học phổ thông tương tự như năm 2024(thay vì bỏ xét học bạ hoàn toàn để xét độc lập điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt như dự kiến trước đó). Theo đó, thí sinh sẽ chọn thi 1 môn chính trong các tổ hợp xét tuyển; 2 môn còn lại sẽ sử dụng điểm trung bình 6 học kỳ trong 3 năm lớp 10, 11 và 12. Tỷ lệ điểm giữa môn chính và 2 môn còn lại có thể sẽ thay đổi theo hướng nâng cao trọng số của môn chính.
Bên cạnh 31 ngành học xét tuyển theo phương thức này, dự kiến năm 2025 trường sẽ áp dụng thêm 5 ngành học: Sư phạm Lịch sử - Địa lý, Sư phạm Địa lý, Địa lý học, Du lịch, Quốc tế học để rộng mở cơ hội trúng tuyển cho các thí sinh.Kết quả kỳ thi còn được nhiều trường đại học khác chấp nhận, bao gồm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Công Thương TPHồ Chí Minh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.