Thực hiện phân công coi thi chéo huyện nên một số điểm thi tại huyện đảo Cát Bà phải huy động lực lượng cán bộ, giáo viên từ đất liền vào. Chia sẻ của thầy Nguyễn Trung Thành, thầy cô phải đi xa, không về được nhà trong ngày là một trong những khó khăn của khâu tổ chức thi tại Cát Bà. Bên cạnh đó, vì đúng mùa du lịch nên di chuyển đến đảo khó khăn hơn, hay bị tắc phà; chỗ ăn nghỉ cũng khó tìm do khách du lịch đã đăng ký trước các khách sạn. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Ban Chỉ đạo thi, UBND huyện đã chỉ đạo, các tổ chức cũng vào cuộc để hỗ trợ tốt nhất về ăn nghỉ, đi lại cho cán bộ làm thi.
“Hằng năm, Ban Chỉ đạo thi của huyện bố trí nhà công vụ hoặc huy động nhà hàng, khách sạn của nhân dân trên địa bàn tài trợ/tài trợ một phần nơi ăn nghỉ cho đoàn cán bộ làm thi. Năm nay sẽ tiếp tục phương án đó” - thầy Nguyễn Trung Thành cho hay.
Điểm thi Trường THPT Võ Thị Sáu - Côn Đảo năm nay cũng đón đoàn làm thi đến từ đất liền. Chia sẻ của thầy Phó Hiệu trưởng Lê Đình Tuyến, nhà trường đã đặt khách sạn cách điểm thi khoảng 400m, thuận lợi cho thầy cô đến điểm thi làm nhiệm vụ. Thầy cô được phục vụ ăn uống tại khách sạn, có sự phối hợp của y tế huyện trong kiểm tra an toàn thực phẩm để bảo đảm sức khỏe.
Tương tự, huyện Phú Quý cũng sẵn sàng bố trí một số khách sạn cho cán bộ làm thi tại điểm Trường THPT Ngô Quyền. “Nhà trường đã phối hợp với cơ quan chức năng để hỗ trợ cán bộ ra đảo làm công tác thi; phối hợp với Công an huyện bảo đảm an ninh trật tự các khu vực nhà nghỉ có cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ thi tốt nghiệp. Số nhà nghỉ, khách sạn tại đảo rất nhiều, quán ăn cũng vậy. Do đó, ngoài địa điểm do huyện bố trí, thầy cô có thể chọn nơi nghỉ theo nhu cầu cá nhân” - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu thông tin.
Năm thứ 2 tỉnh Bình Thuận tổ chức 1 điểm thi tại huyện đảo Phú Quý. Ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Thuận trao đổi: Mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi đến nay đã hoàn tất. Sở GD&ĐT yêu cầu hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm cuối cùng, báo cáo sở GD&ĐT vào cuối tuần này về cơ sở vật chất, trong đó có cả phương án bố trí phòng thi dự phòng, phòng chờ. Sở GD&ĐT đã lên kế hoạch vận chuyển đề ra đảo bằng tàu với sự phối hợp của các sở ngành liên quan, như: Biên phòng, Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải…
Tại Kiên Giang, dù có 2 huyện đảo, nhưng địa phương chỉ tổ chức các điểm thi tại huyện đảo Phú Quốc. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang Trần Quang Bảo, từ trước đến nay, huyện đảo Kiên Hải không tổ chức điểm thi vì số HS quá ít; các em phải di chuyển vào đất liền để tham gia kỳ thi. Huyện đảo Phú Quốc có 3 điểm thi, gồm: THPT An Thới, THPT Dương Đông và THPT Phú Quốc.
Cách đây 1 tháng, sở GD&ĐT thành lập 3 đoàn kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị tại 3 điểm thi này, kết quả công tác chuẩn bị đã đầy đủ, sẵn sàng. Kiên Giang cũng sẵn sàng vận chuyển đề thi ra đảo bằng 1 trong 2 phương án (đường hàng không hoặc đường biển). Riêng đội ngũ làm thi tại huyện đảo Phú Quốc, ông Trần Quang Bảo cho biết, địa phương huy động lực lượng tại chỗ nhưng phân công chéo trường, bảo đảm thầy cô không coi thi HS mình dạy theo đúng Quy chế. Ngoài ra, khoảng 50 - 60 giáo viên THCS của Phú Quốc cũng được trưng dụng để làm công tác thi.
“Năm nay có 40 người, gồm cả lực lượng cán bộ coi thi, giám sát, an ninh, thanh tra… được điều từ đất liền ra đảo Phú Quý làm công tác thi. Sở GD&ĐT đã có văn bản đề nghị UBND huyện Phú Quý phối hợp, hỗ trợ chỗ ăn, nghỉ cho thầy cô; trong đó lưu ý cố gắng bố trí nơi nghỉ gần điểm thi vì thầy cô không thể mang theo phương tiện cá nhân ra đảo. Phương án đưa thầy cô ra đảo Phú Quý đã trình UBND tỉnh phê duyệt” - ông Phan Đoàn Thái thông tin.