Thứ ba, phụ huynh cần lên kế hoạch lôi kéo trẻ tham gia các hoạt động thực tế để con có cơ hội tương tác và rèn kỹ năng sống. Hãy bắt đầu bằng những hoạt động mà trẻ đã từng ưa thích và những môn năng khiếu mà con giỏi.
"Khi trẻ cảm thấy mình chinh phục được các mục tiêu trong hoạt động thực tế, các em sẽ tự tin hơn và được bạn bè chú ý hơn. Đó sẽ là lực hút vô hình nhưng rất quan trọng để kéo các em ra khỏi tầm ảnh hưởng tiêu cực của game online" - PGS.TS Trần Thành Nam nêu rõ.
Cô Đào Thị Luyến - giáo viên Trường Tiểu học Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội). |
Cô Đào Thị Luyến - giáo viên Trường Tiểu học Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) cho rằng, để cải thiện tình trạng này thì chính các bậc phụ huynh phải là những người gương mẫu trước. Bố mẹ bớt thời gian sử dụng điện thoại hay chơi game lại để quan tâm, chăm sóc con nhiều hơn.
Bố mẹ hãy cùng con lập kế hoạch và định hướng để con tự nêu lên những việc con cần làm trong ngày. Từ đó có biện pháp theo dõi, động viên, khen thưởng kịp thời. Nếu có thể cho con có thời gian giải trí nhưng phải rõ giới hạn.
"Bên cạnh đó, phụ huynh nên dành thời gian nói chuyện cùng con, học cùng con, đọc sách cùng con, lôi kéo con vào các hoạt động chung của gia đình như cùng dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, trồng cây hay chơi thể thao... để tăng sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình", cô Luyến chia sẻ thêm.