Cách nào để tránh trượt oan khi đăng ký nguyện vọng vào lớp 10?

15/04/2023, 19:13
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Từ nay đến 24/4, học sinh lớp 9 tiến hành đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024. Để bảo đảm quyền lợi cũng như tuân thủ đúng nguyên tắc trong xét tuyển, Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý học sinh một số quy định trong nguyên tắc xét tuyển để lựa chọn nguyện vọng phù hợp.

Theo kế hoạch của Sở GD&ĐT Hà Nội, kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội năm học 2023 - 2024 được tổ chức ngày 10 và 11/6/2023 với 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.

Cũng như năm học trước, khu vực tuyển sinh được chia theo địa giới hành chính quận, huyện, thị xã. Theo đó, có 12 khu vực tuyển sinh trên toàn thành phố Hà Nội.

Mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng (NV) dự tuyển vào tối đa 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự NV 1, NV 2 và NV 3. Trong đó, NV 1 và NV 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định; NV 3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ. Học sinh không được thay đổi NV dự tuyển sau khi đã đăng ký.

Cách nào để tránh trượt oan khi đăng ký nguyện vọng vào lớp 10? - 1

Mỗi học sinh được đăng ký NV dự tuyển vào tối đa 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự NV 1, NV 2 và NV 3.

Nếu trúng tuyển NV 1 thì không được xét tuyển NV 2, NV 3. Học sinh không trúng tuyển NV 1 được xét tuyển NV 2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV 1 của trường ít nhất 1,0 điểm.

Học sinh không trúng tuyển NV 1, NV 2 được xét tuyển NV 3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV 1 của trường ít nhất 2,0 điểm. Khi hạ điểm chuẩn, các trường được phép nhận học sinh có NV 2, NV 3 đủ điều kiện trúng tuyển.

Riêng Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây được tuyển học sinh vào lớp 10 không chuyên trên toàn thành phố (không phân biệt khu vực tuyển sinh).

Năm học tới, Hà Nội dự kiến có 129.210 học sinh dự thi xét công nhận tốt nghiệp THCS. Trong đó, khoảng 72.000 em được tuyển vào THPT công lập (chiếm 55,7%, tăng 1.000 em so với năm ngoái), 30.000 em vào các trường công lập tự chủ hoặc tư thục (23,2%). Tuyển sinh vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên khoảng 10.000 học viên, chiếm tỷ lệ 7,7%. Tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khoảng 17.210 học viên, chiếm tỷ lệ 13,4%.

Ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố phát triển rất đa dạng, có thể đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh theo nguyện vọng và năng lực.

Ngoài khối trường công lập, học sinh có thể chọn học lớp 10 tại các trường công lập tự chủ, tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp...

Trong số 30.000 học sinh không trúng tuyển các trường công lập, Hà Nội dự kiến tuyển vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên khoảng 10.000 em, tuyển vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hơn 17.000 em...

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, đơn vị sẽ bảo đảm 100% học sinh tốt nghiệp THCS có nguyện vọng tiếp tục đi học đều được tuyển vào các trường.

Theo ông Tuấn, Hà Nội hiện đang bổ sung thêm trường, lớp đảm bảo đủ chỗ học. Trong 5 năm gần đây xây mới 10 trường công lập. Thời gian tới, Hà Nội đầu tư hơn 25.000 tỉ đồng để cải tạo và xây thêm nhiều trường học... Sở GD&ĐT Hà Nội cũng tham mưu với thành phố xây dựng quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm từ 30.000 - 50.000 dân có 1 trường THPT.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cách nào để tránh trượt oan khi đăng ký nguyện vọng vào lớp 10?