Theo cô Trương Thị Ngọc Hân, giáo viên và học sinh có thể thể hiện một phần nội dung bài học, một bài học hoặc nhiều bài học, một chương kiến thức qua sơ đồ tư duy. Vấn đề là các nội dung này có điểm chung, có mối quan hệ với nhau thông qua từ khóa.
Tùy theo mục đích sử dụng mà có thể thiết kế sơ đồ tư duy trong một giờ học thông thường, trong giờ kiểm tra, giờ thực hành, ôn tập, tổng kết hay hệ thống một chương, một phần kiến thức.
Với cách sử dụng sơ đồ tư duy như thế này, giáo viên có thể cùng học sinh làm ngay tại lớp hoặc có thể giao về nhà cho học sinh/ nhóm học sinh thực hiện.
Sử dụng sơ đồ tư duy để tổng hợp kiến thức một chương, một chủ đề sẽ mất khá nhiều thời gian, nên giáo viên có thể giao cho học sinh về nhà thực hiện trước mỗi tiết ôn tập. Sau đó, trong tiết ôn tập giáo viên, học sinh sẽ nhận xét và ôn tập kiến thức trên sơ đồ tư duy đó. Giáo viên dẫn dắt, đặt các câu hỏi tái hiện kiến thức và các câu hỏi mức độ cao hơn để hoàn thành chi tiết hơn, nhiều nhánh phụ hơn cho sơ đồ tư duy.
Sử dụng cơ đồ tư duy để tổng hợp kiến thức. |
Vì thời gian kiểm tra bài cũ đầu giờ không nhiều, chỉ khoảng 5-7 phút, nên yêu cầu kiểm tra của giáo viên thường không quá khó. Phần lớn sẽ chấm điểm tùy vào mức độ thuộc lòng của học sinh mà ít quan tâm đến mức độ hiểu biết bản chất vấn đề.
Do đó, cô Trương Thị Ngọc Hân cho rằng, sử dụng sơ đồ tư duy khi kiểm tra bài cũ giúp giáo viên kiểm tra được phần nhớ lẫn phần hiểu của học sinh. Cách làm là giáo viên yêu cầu học sinh phác thảo nhanh sơ đồ tư duy lên bảng, hoặc đưa ra các sơ đồ tư duy thiếu thông tin và yêu cầu học sinh điền thông tin vào các phần còn thiếu đó, đồng thời rút ra nhận xét về mối quan hệ của các nhánh thông tin với từ khóa.
Cách làm này vừa tránh được việc học vẹt, vừa đánh giá chính xác được khả năng nhận thức của học sinh, từ đó tìm ra các biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học.
Bài tập về nhà giao cho học sinh/ nhóm học sinh trước hết phải gắn với nội dung bài học và trong điều kiện cho phép (trình độ học sinh, thời gian, kinh tế,...). Yêu cầu đối với bài tập về nhà cũng cần khó hơn, phức tạp hơn và cần sự đầu tư hơn (cả kênh chữ, kênh hình, màu sắc, lượng thông tin,...). Qua đó còn thể hiện cả tính sáng tạo và sự tích cực tìm kiếm tài liệu học tập của học sinh.
Cô Trương Thị Ngọc Hân lưu ý: Bài tập về nhà nên thiên về tính mở. Giáo viên cần định hướng cho học sinh cách tìm kiếm thông tin từ các nguồn tài liệu khác nhau, đặc biệt từ mạng Internet bằng cách cung cấp cho học sinh một số trang web thông dụng, chuẩn xác.
Để sử dụng sơ đồ tư duy trong dạy học có hiệu quả, cô Trương Thị Ngọc Hân lưu ý, giáo viên cần nghiên cứu nội dung chương trình, nội dung bài học, lựa chọn ra những phần, những bài có khả năng áp dụng sơ đồ tư duy.
Sử dụng sơ đồ tư duy trong dạy học cần đúng lúc, đúng cách, phù hợp với đối tượng học sinh và quan trọng là đảm bảo việc truyền tải nội dung bài học. Tránh lạm dụng, sa đà vào việc vẽ sơ đồ tư duy khiến tiết học trở nên nhàm chán, căng thẳng.
Cần kết hợp sử dụng sơ đồ tư duy với các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học khác để tạo hứng thú cho học sinh, tiết dạy thêm sinh động.
Đối với học sinh, để sử dụng hiệu quả sơ đồ tư duy cần có kĩ năng vẽ và đọc sơ đồ tư duy về một nội dung cụ thể khi giáo viên yêu cầu. Các em có thể vẽ sơ đồ phân nhánh hoặc có thể sử dụng các phần mềm để vẽ ra các sơ đồ tư duy bằng máy tính, vừa tiện lợi, vừa khoa học và đẹp mắt.