Một buổi hái chè của học sinh lớp 8. |
Cô Vệ cho biết thêm: “Ngoài hướng dẫn, chúng tôi còn giám sát các em để bảo ban kịp thời. Ví dụ như cách dùng bàn chải đánh răng, cách cầm chổi quét nhà, lau nhà. Thậm chí có những hôm tôi phải ngủ lại trường để gần gũi, tâm sự, động viên, vỗ về những em hay khóc nhè và đòi về nhà. Hay như trường hợp một em cứ đi ngủ là “tè dầm” chẳng hạn. Nhà chỉ có bố, kinh tế lại thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tôi đã đưa em đi khám bác sĩ và điều trị. Cũng nhờ sự phối hợp chặt chẽ của giáo viên trong trường mà chỉ sau hơn 1 tháng, mọi hoạt động của các em đã vào nền nếp”.
Trong những ngày ít ỏi ở trường, tôi cùng nhóm học sinh lên đồi hái chè. Các em hướng dẫn tôi rất tỉ mỉ như những người nông dân chuyên nghiệp. “Một tôm hai lá cô nhé! Đây là kỹ thuật chọn búp chè ngon mà các thầy dạy chúng em”, một em trong nhóm hồ hởi hướng dẫn.
Sau buổi thu hái, chúng tôi cùng nhau mang thành quả về, cho vào hệ thống sao chế của trường. Trước sự hướng dẫn rất tỉ mỉ của giáo viên, sau mấy tiếng đồng hồ, chè thành phẩm đã được ra lò. Một ấm trà đậm đà được pha lên, tỏa hương thơm nhẹ với màu nước xanh hấp dẫn. “Đây là giống chè Kim Tiên, đặc sản của A Mú Sung”, thầy Thanh cho hay.
Theo thầy Phùng Đức Giang, mọi sinh hoạt của học sinh trong một ngày là quy trình khép kín trong mô hình “Trường học gắn với thực tiễn”. Mô hình này xây dựng với mục tiêu giúp các em đến trường được phát triển toàn diện. Các em vừa có kiến thức, vừa có kỹ năng sống. “Chúng tôi cũng lồng ghép các mô hình canh tác phù hợp. Đặc biệt, A Mú Sung có đặc sản là cây chè. Nên chúng tôi đã dạy cho các em kỹ thuật hái chè và sao chè theo quy trình khoa học. Để khi học hết THCS, các em không đi học tiếp hoặc không đủ điều kiện học tiếp vẫn hoàn toàn có thể giúp bố mẹ phát triển kinh tế”, thầy Giang nói.
Chăm sóc vườn rau trong “Trường học nông trại” sau những buổi học. |
Ươm mầm 25 thế hệ học sinh bán trú
“Chúng tôi ở đây với các em cả tuần. Con của chúng tôi cũng ở cả tuần trong một ngôi trường khác. Vì thế, chúng tôi tự bù đắp nỗi nhớ con, nhớ nhà bằng tình yêu dành cho các con ở đây. Ngôi trường này, chúng tôi đã tiễn chân 25 thế hệ học sinh bán trú rồi. Có nhiều em đã tốt nghiệp đại học, quay trở lại, làm cán bộ xã, cán bộ huyện và cả ở tỉnh nữa”, cô Vệ vui vẻ nói.
Thầy Phùng Khắc Dũng – Phó Hiệu trưởng nhà trường - góp thêm: “Nhà tôi ở miền xuôi, lên đây công tác cũng hơn 20 năm rồi. Thời gian đầu tôi cũng nản lắm! Ngày xưa đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, có khi đi từ trung tâm thành phố lên đây mất đến nửa ngày đường. Nhưng thời gian trôi qua, tôi càng thấy mình thật sự yêu mảnh đất này và muốn gắn bó”.
Ngôi trường miền biên ải với sự sáng tạo của cả thầy và trò trong suốt bao năm qua đã gặt hái được nhiều “quả ngọt”. Năm 2020, học sinh nhà trường đã giành Huy chương Vàng trong Cuộc thi Sáng tạo Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng toàn quốc lần thứ 16. Đó là mô hình Di sản Văn hóa người Dao ở Lào Cai. Còn năm 2021 là giải Nhì cấp tỉnh trong Cuộc thi Sáng tạo Thanh, thiếu niên với mô hình Du lịch sinh thái xã A Mú Sung.
Thầy Giang chia sẻ thêm: “Mô hình hoạt động của nhà trường đã được nhiều trường cùng cấp đến học tập và nhân bản. Với lợi thế về khí hậu và mô hình cũng đã hoạt động “nhuần nhuyễn” qua nhiều năm nay nên giờ chúng tôi vẫn nhận được những đề nghị từ các trường miền xuôi. Họ mong muốn gửi gắm con em đến trải nghiệm mùa hè xanh ở đây”.
Ông Ma Seo Củi – Chủ tịch UBND xã A Mú Sung - cho biết: Sau khi đưa mô hình “Trường học gắn với thực tiễn” vào hoạt động, tỷ lệ chuyên cần của trường đạt 97 - 98%, đạt tốp đầu của huyện. Ở đây, các cháu tự tăng gia, trồng trọt để có thực phẩm bổ sung cho bữa ăn, vừa có nguồn quỹ để tiết kiệm. Chúng tôi luôn vận động, khuyến khích các cháu chuyên cần học tập để phát triển nguồn nhân lực cho địa phương trong tương lai.