Qua quá trình nghiên cứu, nhóm đã thiết kế và chế tạo thành công một số màng vật liệu phù hợp phát triển cảm biến điện hóa ứng dụng trong phân tích các hoạt chất quan trọng thường dùng trong dược phẩm như paracetamol, metroxate, gliadin. Phương pháp chủ yếu ứng dụng chế tạo vật liệu được phát triển trên cơ sở các kĩ thuật điện hóa, đặc biệt là quét thế vòng.
Cảm biến đã chế tạo có kích thước nhỏ gọn, phù hợp phân tích hàm lượng hoạt chất trong dịch người (máu, nước tiểu), phân tích thành phần thuốc thành phẩm. Với các mẫu phân tích môi trường nước, cần có những thay đổi phù hợp trong cấu tạo của cảm biến cũng như phương thức xử lí mẫu để đạt hiệu quả phân tích tốt hơn.
Nhóm nghiên cứu đã phát triển mới các quy trình lắng đọng điện hóa ứng dụng trong chế tạo một số màng vật liệu quan trọng. Trong đó các qui trình lắng đọng vật liệu nano carbon và kim loại hay hình thành màng MIP có sự kế thừa từ các nghiên cứu trước đây của nhóm.
Đây là lần đầu tiên nhóm nghiên cứu tiếp cận sử dụng lắng đọng điện hóa tạo màng có cấu trúc khung cơ kim như Cu-BTC. Những màng vật liệu chuẩn bị bằng lắng đọng điện hóa đạt độ đồng nhất và bền cao, đồng thời có sự cải thiện đáng kể về tín hiệu điện hóa ghi nhận trên các màng này.
“Sự thành công trong nghiên cứu này mở ra cơ hội cho chúng tôi tiếp tục các nghiên cứu với các cấu trúc phức tạp khác có nhiều hứa hẹn ứng dụng trong cảm biến điện hóa”, TS Vũ Thị Thu nói.
Đề tài đã thành công trong việc phát triển cảm biến đối với không chỉ hoạt chất có tính redox tốt như paracetamol, hay khó bị oxy hóa như metroxate và không có tính redox như gliadin. Sự linh hoạt trong thiết kế cấu hình cảm biến để phù hợp với đối tượng đo là vô cùng cần thiết.
Định hướng của nhóm nghiên cứu là phát triển các cảm biến hỗ trợ theo dõi hiệu quả quá trình điều trị bệnh nhân ung thư và các cảm biến theo dõi hiệu quả quá trình điều trị sử dụng các thuốc dải hẹp ở đối tượng bệnh nhân yếu thế.