Cấm người thân cán bộ vi phạm vào hội đồng kỷ luật, chủ trì họp kiểm điểm

Anh Văn/VTC News | 21/09/2023, 19:06
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nghị định 71/2023 quy định không được cử người thân của cán bộ vi phạm bị xem xét xử lý kỷ luật làm thành viên hội đồng kỷ luật hoặc là người chủ trì họp kiểm điểm.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 71/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Văn bản này quy định: " Không được cử vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ; cha, mẹ (vợ hoặc chồng), cha nuôi, mẹ nuôi; con đẻ, con nuôi; anh, chị, em ruột; cô, dì, chú, bác, cậu ruột; anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng của anh, chị, em ruột hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến hành vi vi phạm bị xem xét xử lý kỷ luật là thành viên hội đồng kỷ luật hoặc là người chủ trì cuộc họp kiểm điểm ".

Cấm người thân cán bộ vi phạm vào hội đồng kỷ luật, chủ trì họp kiểm điểm - Ảnh 1.

Cán bộ công chức bộ phận "một cửa" huyện Yên Lập (Phú Thọ) hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ bưu chính công ích. (Ảnh: Cổng thông tin tỉnh Phú Thọ).

Về nguyên tắc xử lý kỷ luật, nghị định bổ sung quy định: Quyết định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày có hiệu lực thi hành. Đối với trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức thì việc quy hoạch, bổ nhiệm ứng cử vào chức vụ cao hơn, bố trí công tác cán bộ áp dụng hiệu lực theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp đã có quyết định kỷ luật về Đảng thì hiệu lực của quyết định xử lý kỷ luật hành chính tính từ ngày quyết định kỷ luật về Đảng có hiệu lực. Trong thời gian này, nếu không tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định xử lý kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực mà không cần phải có văn bản về việc chấm dứt hiệu lực.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật trong thời gian đang thi hành quyết định xử lý kỷ luật thì xử lý theo quy định. Quyết định kỷ luật đang thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm quyết định kỷ luật đối với hành vi vi phạm pháp luật mới có hiệu lực.

Các tài liệu liên quan đến việc xử lý kỷ luật và quyết định kỷ luật phải được lưu giữ trong hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức. Hình thức kỷ luật phải được ghi vào lý lịch của cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, Nghị định 71/2023 bổ sung quy định về cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ mà khi chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị mới mới phát hiện hành vi vi phạm đó và vẫn còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật.

Khi đó, cấp có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức, đơn vị mới thực hiện việc xem xét xử lý kỷ luật và áp dụng hình thức kỷ luật theo quy định pháp luật tương ứng với vị trí cán bộ, công chức, viên chức đang đảm nhiệm.

" Đối với trường hợp này, cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ có trách nhiệm cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến hành vi vi phạm và cử người phối hợp trong quá trình xem xét, xử lý kỷ luật. Các quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng và các quy định khác có liên quan được tính ở đơn vị cũ ", nghị định nêu.

Nghị định của Chính phủ cũng sửa đổi nguyên tắc xử lý kỷ luật, phải bảo đảm khách quan, công bằng; công khai, nghiêm minh; chính xác, kịp thời; đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục.

Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần bằng một hình thức kỷ luật. Trong cùng một thời điểm xem xét xử lý kỷ luật, nếu cán bộ, công chức, viên chức có từ 2 hành vi vi phạm trở lên thì xem xét, kết luận về từng hành vi vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm.

Chính phủ yêu cầu, cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật về Đảng thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện quy trình xử lý kỷ luật hành chính (nếu có).


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cấm người thân cán bộ vi phạm vào hội đồng kỷ luật, chủ trì họp kiểm điểm