Giáo dục

Cảm thụ văn học: 'Hoan hô chiến sĩ Điện Biên' - bản hùng ca lịch sử

07/05/2024 10:36

Tố Hữu được mệnh danh là cánh chim đầu đàn của thơ ca cách mạng Việt Nam bởi lẽ sự nghiệp thi ca của ông bắt đầu gần như cùng lúc với con đường hoạt động

Tố Hữu được mệnh danh là cánh chim đầu đàn của thơ ca cách mạng Việt Nam bởi lẽ sự nghiệp thi ca của ông bắt đầu gần như cùng lúc với con đường hoạt động cách mạng.

Ngay từ trước Cách mạng tháng Tám, trong lời tự bạch, in trong cuốn “Nhà văn Việt Nam hiện đại”, nhà thơ Tố Hữu cũng đã khẳng định: “Suốt đời, tôi phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản. Cùng với hoạt động cách mạng, tôi làm thơ cũng vì sự nghiệp cách mạng. Đối với tôi: “Trăm năm duyên kiếp: Đảng và Thơ”. Quả thật, với ông, cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học.

Có người đã từng nhận xét thơ Tố Hữu đã vẽ lại bức tranh lịch sử của cách mạng nhân dân Việt Nam thông qua các chặng đường hoạt động của người chiến sĩ cộng sản Tố Hữu. Mỗi tập thơ của ông gắn với một giai đoạn lịch sử của dân tộc, từ khi ông giác ngộ cách mạng những năm 1937, cho đến khi đất nước giành độc lập, rồi trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cho đến ngày thống nhất đất nước.

Tiếng thơ trữ tình - chính trị, thiên về khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn bằng giọng tâm tình, ngọt ngào, mang tính dân tộc đậm đà đã đi suốt chiều dài dân tộc, âm vang trong anh và trong em, trong mỗi tâm hồn Việt. “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” có lẽ là một trong những bài thơ ra đời từ âm vang hào hùng của lịch sử vẻ vang ấy, là bức tranh lịch sử về chiến thắng “lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu” dưới đôi mắt của một người nghệ sĩ nhiệt thành.

Theo ngày tháng đề từ dưới bài thơ (5/1954) thì Tố Hữu viết bài thơ này ngay sau ngày Điện Biên Phủ chiến thắng. Ngày “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về” là ngày 7/5/1954, thì ngày 11/5/1954, báo Nhân Dân đã in trang trọng trên trang nhất bài thơ này của Tố Hữu. Có nghĩa là, chỉ vẻn vẹn bốn ngày từ khi viết cho đến lúc bài thơ ra mắt hàng triệu độc giả.

Nhưng chắc chắn thi phẩm đã được thai nghén, ấp ủ trước đó, là sự chín đỏ về cảm xúc của một người gắn bó mật thiết với cách mạng, với Đảng, với Bác Hồ và bung nở, tỏa sáng, hòa vào ngày hội non sông, khi “Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực”. Để rồi, bài thơ, từ tiếng lòng của nhà thơ Tố Hữu trở thành tiếng lòng của muôn triệu nhân dân.

“Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” - khúc hùng ca cuồn cuộn sức sống với những âm hưởng hùng tráng, sảng khoái, chủ động, tung hoành trên nhiều cung bậc như tiếng ngựa hí, quân reo ngất trời tráng khí. Bài thơ gần 100 câu, thể thơ tự do, có câu thơ dài đến 13 tiếng, quy mô tương đối lớn.

Bố cục của bản hùng ca có thể được phân thành gồm 3 phần lớn: Phần I (4 đoạn đầu) ghi lại niềm vui chung, cảm nghĩ chung khi nhận được tin chiến thắng; phần II (4 đoạn giữa) miêu tả trực tiếp chiến dịch; phần III (2 đoạn) nói đến ảnh hưởng của chiến thắng. Mỗi đoạn mang một màu sắc riêng và mang một sứ mệnh cụ thể. Bố cục chặt chẽ, khoa học, tự nhiên, có sự phát triển đồng thời là một mạch nguồn cảm xúc dạt dào.

Nhan đề bài thơ là tiếng reo vui, hân hoan chiến thắng, một câu khẩu ngữ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên!”. Nói khác hơn âm hưởng chi phối bài thơ là niềm hân hoan chiến thắng.

Chính trong cái đêm lịch sử đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã nghĩ đến việc nhà thơ Tố Hữu sẽ cho ra đời của một bài thơ như vậy: “Sau năm mươi lăm ngày đêm cố gắng, lịch sử đã thu được toàn thắng. Tôi ngã mình trên chiếc đệm cỏ tranh, thao thức mãi không sao ngủ được. Giờ này, Trung ương ở nhà đã được tin. Ngày mai chắc chắn bộ đội sẽ nhận được thư khen của Bác. Tôi nghĩ đến các anh ở nhà. Anh Lành chắc đang bắt đầu làm một bài thơ. Tôi nghĩ đến niềm vui mừng của nhân dân ta trong cả nước. Anh Phạm Văn Đồng đã có mặt ở Giơ-ne-vơ. Ngày mai bọn địch gặp ta ắt phải cúi mặt xuống…”.

Nhà thơ Tố Hữu đã viết thi phẩm này bằng mệnh lệnh, bằng sự thôi thúc từ trái tim sôi nổi yêu nước, bằng sự nhạy cảm với sự kiện nóng bỏng của thời đại. Bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” có cách thể hiện khá độc đáo.

“Tin về nửa đêm

Hỏa tốc, hỏa tốc

Ngựa bay lên dốc

Đuốc chạy sáng rừng”

Bốn câu thơ vừa tượng hình, vừa tượng thanh. Tác giả không dùng tiếng vó ngựa cốc! cốc! chạy trên mặt đường quen thuộc nơi miền Tây Bắc mà dùng điệp ngữ “Hỏa tốc, hỏa tốc”. Nhịp thơ 2/2 dồn dập, dồn dập như tiếng vó ngựa đang phi nước đại. Dường như niềm vui từ con người cũng đang lan thấm sang cảnh vật. Những chú ngựa liên lạc ấy cũng đang nhân sức mạnh niềm vui lịch sử của dân tộc, để “bay lên dốc”. Sức mạnh từ những chú ngựa phi nước đại ấy, khi “đuốc chạy sáng rừng” đã mang hạnh phúc đến cho bà con dân tộc ở Điện Biên, những người đã từng gắn bó cùng chiến sĩ như cá với nước, như cây với đất.

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: INT
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: INT

Không gian mở ra với cảnh rừng núi Tây Bắc mênh mông, hoang vu. Thời gian là lúc nửa đêm đầy tĩnh mịch. Bỗng tin truyền về, mọi thứ bừng tỉnh, sôi sục hẳn lên. Hoạt động, ánh sáng, âm thanh nối tiếp nhau và hoà trộn vào nhau, càng nổi bật trên cái nền không gian và thời gian thăm thẳm. Nhà thơ chưa nói rõ tin gì, con người chưa xuất hiện, nhưng niềm vui thì đã tràn ngập, một niềm vui náo nức, lan truyền: Ngựa bay, đuốc sáng, chuông reo, loa kêu, lửa đỏ. Chất hiện thực kết hợp với cảm hứng lãng mạn, kỳ ảo đã thay cho lời thông báo thông thường của buổi truyền tin vui thắng trận Điện Biện.

Và tin chiến thắng ấy đã trở thành cánh chim vô hình bay tới muôn phương:

“Điện Biên vời vợi nghìn trùng

Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta

Đêm nay bè bạn gần xa

Tin về chắc cũng chan hòa vui chung”

Đoạn 2 đi vào chủ đề bài thơ. Tố Hữu ca ngợi những con người, những sức mạnh đã tạo nên chiến thắng. Tấm lòng của nhà thơ nghĩ trước hết đến những người trực tiếp tham gia, làm nên chiến thắng: Những chiến sĩ Điện Biên, người tổng chỉ huy mặt trận - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và rồi tất yếu đến nhân dân, Tổ quốc, đến lãnh tụ kính yêu, đến sự cổ vũ, vinh quang của lá cờ Tổ quốc.

Tràn ngập trong niềm vui chiến thắng còn là niềm tự hào vô hạn về quân đội, về những người đã sẵn sàng ra đi vì nghĩa lớn, về nhân dân anh hùng, về Tổ quốc mà lần này tác giả muốn gọi rõ tên là “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”. Tự hào về lãnh tụ, Bác Hồ kính yêu, tác giả dành những vần thơ tuyệt diệu, bởi Người là linh hồn của dân tộc, của Đảng, của cuộc kháng chiến: Vinh quang Hồ Chí Minh, cha của chúng ta ngàn năm sống mãi.

Và rực rỡ trong giờ phút ấy là lá cờ chiến thắng tung bay trên chiến trường Điện Biên Phủ: “Quyết chiến, quyết thắng, cờ đỏ sao vàng vĩ đại!”. Mười năm sau, hồi tưởng lại chiến dịch, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng có ấn tượng sâu sắc về lá cờ đó: “Cho đến ngày hôm nay mỗi lần nhớ lại chiến dịch Điện Biên Phủ, hình ảnh đọng lại trong ký ức của tôi là một lá cờ sao tươi thắm tung bay giữa núi rừng trùng điệp của chiến trường lịch sử trên bầu trời cao lồng lộng, lá cờ đỏ mang những chữ vàng rực rỡ “Quyết chiến, quyết thắng” đã được nhân dân ta kéo cao trên bãi chiến trường”. Văn học không phải là lịch sử, nhưng quả thật văn học đã ghi lại một cách chân thực và hào hùng lịch sử của dân tộc trong những giờ khắc này.

Trước niềm vui to lớn ấy làm cho nhà thơ không thể kìm nổi lòng mình.

Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp

Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp

…Vinh quang Hồ Chí Minh - cha của chúng ta ngàn năm sống mãi!

Quyết chiến quyết thắng cờ đỏ sao vàng vĩ đại!

Lời thơ vô cùng hào sảng. Đó cũng chính là tâm hồn của một người chiến sĩ cách mạng với hồn thơ tràn đầy sức sống. Những câu thơ này cũng chính là khúc khải hoàn ca và nó cũng tựa như bài đồng dao, như lời ru của mẹ. Để rồi từ đó Tố Hữu ghi lại niềm vui sau chín năm kháng chiến trường kỳ:

Kháng chiến ba ngàn ngày

Không đêm nào vui bằng đêm nay

Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực

Trên đất nước như huân chương trên ngực

Dân tộc ta dân tộc anh hùng!

Có thể nói đoạn thơ này trong bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên chứa sức nặng của toàn bài thơ. Bởi qua đó ta cảm nhận được một không khí của cuộc chiến đấu gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt của nhân dân ta. Có như vậy mới giành được thắng lợi cuối cùng, để đêm Điện Biên rực sáng những chiến công, trả lại vẹn nguyên hình hài Tổ quốc. Chưa có bao giờ đẹp như đêm nay khi niềm vui vỡ òa, lan tỏa khắp núi rừng, bản làng trùng điệp. Và đây cũng là lần thứ hai nhà thơ lặp lại câu thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên trong phép điệp cấu trúc. Bởi nó như là một tượng đài bất tử về muôn triệu con người Việt Nam trong thời khắc huy hoàng:

Những đồng chí thân chôn làm giá súng

Đầu bịt lỗ châu mai

Băng mình qua núi thép gai

Ào ào vũ bão

Những đồng chí chèn lưng cứu pháo

Nát thân, nhắm mắt còn ôm…

Bức chân dung của những người chiến sĩ Điện Biên được hiện lên với những tên tuổi cụ thể như Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót… Cùng với đó là bao chiến sĩ vô danh. Đó là các tấm gương kiên cường bất khuất. Tuy nhiên sẽ là một thiếu sót rất lớn và chắc chắn cũng sẽ không có được thành công hôm nay nếu không có những người dân. Bao nhiêu hy sinh, xương máu của cả dân tộc mới góp được thành công hôm nay.

Những vần của Tố Hữu giúp ta cảm nhận thêm sự anh dũng và tấm lòng ấy. Cả nước gửi tới các chiến sĩ ấy sự tôn vinh vĩnh hằng. Hình ảnh cái chết khá dữ dội: “nát thân, nhắm mắt” “xương tan thịt nát” nhưng âm hưởng cả bài thơ không hề gây cảm giác rùng rợn, bi ai. Hai câu lục bát với nhiều địa danh lịch sử Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam với Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng mở ra trước mắt ta hình ảnh đất nước ngày mai tươi đẹp, thanh bình, gắn bó ân tình biết bao với những người đã hi sinh.

Quả thực, mỗi khi nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ không thể không nhắc đến tấm gương chiếu đấu anh dũng của các anh hùng liệt sĩ “Thân chôn làm giá súng, đầu bịt lỗ châu mai, oằn lưng kéo pháo”. Đặc biệt khi đến Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên, nhiều người đã không cầm được nước mắt khi đứng trước những nấm mộ vô danh. Đó là những người lính đã hiến dâng tất cả cho Tổ quốc, thân xác, tâm hồn, tên tuổi của họ đều hòa vào đất trời, cỏ cây.

Nhà thơ Xuân Diệu trong một lần thăm Điện Biên Phủ, khi qua mộ anh hùng Bế Văn Đàn đã cảm khái làm nên bài thơ “Mộ Bế Văn Đàn” bằng câu thơ lục bát quen thuộc. Nhà thơ Chế Lan Viên có bài thơ tứ tuyệt ngợi ca người chiến sĩ lấy thân mình làm giá súng. Bài “Nhớ Bế Văn Đàn”, “Thóc mới Điện Biên” viết sau khi đi thăm Nghĩa trang Điện Biên. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu cũng có bài thơ “Mộ chiến sĩ vô danh” với những câu đầy xúc động:

“Tấm bia trắng không dòng tên họ,

Không năm sinh, không để dấu thôn làng.

Như tất cả cuộn thành tiếng nổ,

Ném vào hầm ngầm, ụ súng, xe tăng.

Như tất cả, anh gửi vào cho đất...”.

Với Tố Hữu, từ ca ngợi sự hy sinh anh dũng, tinh thần quyết chiến quyết thắng của dân tộc, mạch thơ chuyển sang luận tội đanh thép với kẻ xâm lược. Nhân dân Việt Nam sẽ không phải chịu cảnh máu xương tan nát, gia đình chia lìa nếu không có kẻ thù cướp nước. Bằng những lời thơ rắn rỏi, quyết liệt ta có thể cảm nhận được điều đó. Đó là một tinh thần không khoan nhượng trước kẻ thù.

Lũ chúng nó phải hàng, phải chết

Quyết trận này quét sạch Điện Biên

Quân giặc điên

Chúng bay chui xuống đất

Chúng bay chạy đường trời!

… Chúng bay chỉ một đường ra

Một là tử địa, hai là tù binh?

Những lời thơ này được hình thành ngay từ khi chúng ta quyết định chiến đấu với Pháp. Đó cũng chính là niềm tin vào Đảng và chính quyền để nhân dân ta chiến đấu. Và cũng thêm một lần nữa nhà thơ reo lên: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên! - khúc khải hoàn ca ấy chiến thắng.

Và như là một sự báo công dâng lên Bác kính yêu. Ở đây, nhà thơ thể hiện tấm lòng của Bác đối với các chiến sĩ Điện Biên, của tất cả chúng ta đối với Bác. Chiến thắng Điện Biên Phủ đúng vào dịp sinh nhật Bác. Bài thơ đang tưng bừng sôi nổi khí thế chiến thắng, đến khổ thơ nói về Bác, bỗng dịu đi, trầm lắng, xa vọng với thể thơ lục bát:

Tiếng reo núi vọng sông rền

Đêm nay chắc cũng về bên Bác Hồ

Bác đang cúi xuống bản đồ

Chắc là nghe tiếng quân hò quân reo

Từ khi vượt suối băng đèo

Ta đi, Bác vẫn nhìn theo từng ngày

Tin về mừng thọ đêm nay

Chắc vui lòng Bác giờ này đợi trông!

Có thể nói, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên là một tác phẩm viết rất kịp thời, đầy cảm hứng sử thi, cũng là tác phẩm văn học xuất sắc viết về Điện Biên Phủ thời ấy. Tố Hữu đi vào một đề tài thời sự, viết một cách tự nhiên, thoải mái, vừa sôi nổi, vừa súc tích, kết hợp được hồn thơ trữ tình vốn có với bút pháp chính luận và tạo hình đặc sắc. Hoan hô chiến sĩ Điện Biên trở thành một trong những đỉnh cao nhất của thơ Tố Hữu, là sự kết tinh nghệ thuật đạt đến mức hùng tráng, sảng khoái, chủ động, tung hoành trên nhiều cung bậc, để làm nên bức tượng đài sừng sững tạc vào năm tháng, tạo một mốc son trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc nói chung và trong tiến trình thơ Tố Hữu nói riêng.

Đọc bài thơ ta thấy một tấm lòng. Hoan hô chiến sĩ Điện Biên chính tình yêu mãnh liệt của Tố Hữu đối với quê hương đất nước nồng nàn, sâu sắc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảm thụ văn học: 'Hoan hô chiến sĩ Điện Biên' - bản hùng ca lịch sử