Tuy nhiên, ông Trí không kỳ vọng vào "sức tác động" của cơ quan này. Bởi lẽ, MRC chỉ là bên điều phối, giúp các quốc gia cùng nhau ngồi lại đàm phán vì lợi ích chung của dòng sông, nhưng lại không thể ban hành chế tài cụ thể.
"Vấn đề của Mekong đã được minh chứng qua nhiều sự việc. Ví dụ như khi những con đập được xây dựng trên dòng chính, nhưng MRC không quyết định được bởi họ chỉ là đơn vị tạo sân chơi cho các bên trao đổi", ông nói.
Dù vậy, đây vẫn là cơ chế quốc tế chính thức, được công nhận. Do đó, trong bối cảnh hiện tại, ông cho rằng Việt Nam cần đặt ra các vấn đề của kênh đào này và thông qua MRC để "quốc tế hóa" nó, tạo áp lực để phía Campuchia có báo cáo đầy đủ và chi tiết hơn. Song song đó, nhà chức trách Việt Nam cần làm việc chặt chẽ với các nhà khoa học trong và ngoài nước để đánh giá rõ tác động, hậu quả của dòng kênh này trong tương lai.
TS Nguyễn Nghĩa Hùng, Viện phó Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (SIWRR), cho biết quá trình theo dõi và cập nhật liên tục các thay đổi khí tượng, thủy văn ở lưu vực sông Mekong cho thấy, việc phát triển thủy điện và nông nghiệp ở thượng nguồn gây nhiều tác động đến hạ nguồn.
Cụ thể, xu thế lũ nhỏ đi, số năm lũ lớn ít hơn, phù sa giảm, điều tiết của Biển Hồ (Tonle Sap) giảm. Dòng chảy kiệt trái quy luật - đầu mùa khô và đầu mùa mưa dòng chảy thấp làm mặn đến sớm. Số năm hạn mặn lịch sử xuất hiện trở lại dày hơn, cụ thể là 2015-2016, 2019-2020; 2023-2024...
"Đồng bằng đã và đang bị định hình lại bởi các thay đổi trên", ông nói, cho biết trong bối cảnh này, Campuchia khởi công tuyến kênh giao thông thủy Funan Techo sẽ làm gia tăng các quan ngại về hạn và xâm nhập mặn trên đồng bằng.
Người dân xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang, thức suốt suốt đêm chờ lấy nước từ thiện trong mùa khô hạn kéo dài, tháng 4/2024. Ảnh: Thanh Tùng
Theo đại diện Viện SIWRR, các thông tin về dự án mà phía Campuchia cung cấp cho Ủy hội sông Mê Công theo thông báo ngày 8/8/2023 còn rất ít, chưa đủ để đánh giá đầy đủ tác động gia tăng đến nguồn nước, phù sa, sạt lở và xâm nhập mặn.
Ông cho rằng dự án cần có thêm các thông tin về: quy trình vận hành của cả tuyến giao thông nói chung và các khóa van nói riêng; giám sát lưu lượng qua tuyến kênh so với mức công bố bình quân là 3,6m3/s; mục đích khác của tuyến kênh (ví dụ như phục vụ sản xuất nông nghiệp); kết nối của tuyến kênh với các sông hiện hữu cắt ngang; các giải pháp giảm thiểu tác động bất lợi với sự cố giao thông thủy như tràn dầu, chất ô nhiễm nguy hại...
Theo báo cáo của Campuchia, kênh giao thông thủy Funan Techo có ba van kiểm soát lưu lượng, và mức bình quân qua tuyến giao thông khoảng 3,6 m3/s. Tuy nhiên, đánh giá sơ bộ của Viện SIWRR về tuyến kênh này cho kết quả khác. Cụ thể, trong trường hợp các khóa van mở liên tục và gia tăng một số diện tích tưới nơi tuyến giao thông đi qua, công suất tối đa (Qmax) có thể lớn hơn nhiều so với số liệu thông báo của Campuchia.
Từ thực tế này, Viện SIWRR kiến nghị Campuchia cần chia sẻ thêm các thông tin về dự án với MRC và Việt Nam, hỗ trợ các bên nghiên cứu đánh giá đầy đủ hơn về dự án. Nếu mức độ tác động lớn hơn báo cáo ban đầu, MRC và Việt Nam cần tiến hành nghiên cứu chung về tác động xuyên biên giới của dự án với tất cả lĩnh vực, từ đó đề xuất biện pháp giảm thiểu tác động.
Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích khoảng 40.000 km2, là nơi sinh sống của hơn 17,4 triệu người. Nơi đây chiếm 50% sản lượng lúa gạo, 65% thủy sản nuôi trồng và đóng góp 17% GDP cả nước... Vùng đất này đang chịu ảnh hưởng hạn mặn nghiêm trọng, được đánh giá là một trong ba đồng bằng trên thế giới chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu...
Hôm nay tại TP Cần Thơ, Ủy ban sông Mekong Việt Nam tổ chức cuộc họp tham vấn về dự án kênh đào Funan Techo với sự tham dự của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực.