Các chuyên gia phát biểu tại Hội nghị. |
Các đại biểu cũng đề cập và nhấn mạnh thêm một số kết quả triển khai Nghị quyết 27, như làm thay đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị đối với đội ngũ trí thức; đóng góp của đội ngũ trí thức thông qua tư vấn, phản biện, tham mưu vào việc xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; thẩm định, giám định các dự án lớn, trọng điểm quốc gia đem lại hiệu quả kinh tế cao…
Về tồn tại thiếu sót: Các ý kiến khẳng định, đây là Nghị quyết có nhiều nút thắt, điểm nghẽn nhất và chậm đi vào cuộc sống. Chưa tạo được môi trường chính sách, thiếu cơ chế đặc thù, thiếu nguồn lực đãi ngộ, thu hút, trọng dụng nhân tài… Môi trường, điều kiện làm việc, cơ sở vật chất, trụ sở, cơ quan, phòng thí nghiệm, nghiên cứu giảng dạy… còn rất nhiều khó khăn…
Phân tích làm rõ các nguyên nhân dẫn đến tồn tại, thiếu sót, các ý kiến cho rằng: quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đến 2030, tầm nhìn đến 2024, cần phải làm rõ các quan điểm mới phù hợp với tình hình phát triển của đất nước, như mục tiêu cụ thể, các nhóm nhiệm vụ cần xác thực, khả thi và đúng đối tượng.
|
Phát biểu kết luận, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn đã sơ bộ tổng kết các ý kiến tham luận, trao đổi và đề nghị Tổ Biên tập Đề án nghiêm túc tiếp thu tối đa. Ngoài ra, ông Lại Xuân Môn đề nghị cần quan tâm thêm một số nội dung sau:
Thứ nhất: Cần nhấn mạnh, làm rõ kết quả đã đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27 so với trước khi chưa có Nghị quyết.
Thứ hai: Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 27, cần nhận diện, chỉ ra được những điểm nghẽn, nút thắt nào là cơ bản, gây cản trở đến công tác xây dựng đội ngũ trí thức; nhất là những vấn đề tồn tại, thiếu sót kéo dài nhiều năm, chưa được khắc phục. Đồng thời, phân tích làm rõ nguyên nhân cơ bản, cốt lõi của những khuyết điểm đó.
Thứ ba: Phân tích sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn về bối cảnh tình hình mới đối với thế giới, khu vực, trong nước tác động trực tiếp đến đội ngũ trí thức, như: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xã hội 5.0, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…
Thứ tư: Dự thảo Nghị quyết cần nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, thứ tự ưu tiên, có thí điểm, có tính đột phá, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ triển khai, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát. Đồng thời, phải liên thông, kết hợp chặt chẽ, đồng bộ với các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII liên quan đến xây dựng đội ngũ trí thức, góp phần thực hiện thắng lợi đưa đất nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030; trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.