'Cần câu cơm' của người bất hạnh

Trúc Hân | 16/07/2022, 06:39
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trần Chí Hải bị khuyết tật. Anh đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ. Hải đã mở công ty riêng để trao 'cần câu cơm' cho người khuyết tật.

Tai nạn cướp đi đôi chân lành lặn

Lọt lòng mẹ, anh Trần Chí Hải (34 tuổi, trú tại phường Hội Phú, TP Pleiku , tỉnh Gia Lai) bình thường và lành lặn như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng khi anh vừa tròn 18 tuổi, trong một lần đi hái cà phê thuê thì bị té ngã dẫn đến viêm cột sống phải phẫu thuật.

Mặc dù anh được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu, chữa trị nhưng sau tai nạn anh chẳng thể di chuyển được. Từ đó, mọi sinh hoạt của anh đều phải nhờ sự giúp đỡ từ bố mẹ, người thân.

Bất lực trước số phận nghiệt ngã, có lúc anh Hải nghĩ đến việc từ bỏ cuộc sống này để không trở thành gánh nặng cho gia đình. Trải qua nhiều đêm thức trắng, trằn trọc suy nghĩ, hình ảnh người mẹ thức khuya, dậy sớm với gánh đậu hũ trên vai đi bán dạo khắp phố phường để kiếm tiền chữa trị cho con lại hiện lên.

Không những vậy, những người thân và ngay cả những người xa lạ luôn động viên, an ủi giúp anh lấy lại niềm tin. Từ đó, anh chăm luyện tập với hy vọng có thể di chuyển trên chính đôi chân của mình.

“Trong một lần điều trị tại TP Hồ Chí Minh tôi được hai mẹ con người Việt kiều động viên, giúp đỡ mỗi tuần 1 triệu đồng. Những ngày sau họ nán lại lâu hơn, cho tôi mượn sách, báo và hướng dẫn sử dụng công nghệ thông tin. Ngày sau đó, tôi học tập qua Yahoo. Tôi thật sự biết ơn, cảm kích và xem 2 mẹ con đó là ân nhân của cuộc đời mình”, anh Hải chia sẻ.

Không muốn phụ lòng những người đã giúp đỡ mình, anh Hải quyết tâm học tập, trau đồi thêm kiến thức. Vì không muốn mọi người thất vọng, anh Hải cố gắng nằm nghiêng để có thể nhìn và làm việc trên máy tính. Có những hôm công việc “cuốn” nên anh Hải chỉ ngủ được khoảng 2 tiếng đồng hồ.

Sau 2 tháng cố gắng, nỗ lực anh Hải đã thiết kế thành công 3 trang Web cho các công ty. Tuy thù lao lúc bấy giờ không cao nhưng anh Hải vẫn hạnh phúc vì đã kiếm được những đồng tiền chính đáng, bằng mồ hôi và sức lực của mình.

Sau bước khởi đầu thuận lợi, anh Hải nhận thiết kế cho nhiều công ty hơn. Khi công việc đã ổn định và phát triển anh nghĩ đến việc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh như mình.

Thế nhưng, câu hỏi “Làm sao để giúp người khác khi mình đang nằm một chỗ” cứ văng vẳng bên tai anh. Nghĩ rồi, anh cố gắng hết sức để có thể nâng được người dậy. Trải qua hàng chục lần nhấc người rồi lại ngã xuống cuối cùng anh Hải cũng ngồi được ngay ngắn. Anh bắt đầu tập di chuyển bằng đôi chân thông qua việc vịn tường, ghế để tập đi.

“Dù đã ngoài 20 tuổi nhưng khi ấy việc tập di chuyển, đi lại với tôi vô cùng khó khăn. Tôi cảm tưởng rằng khó hơn những đứa trẻ mới chập chững bước đi. Những lúc đó tôi nghĩ rằng bản thân như gãy từng khúc xương.

Nhưng nghĩ đến những người yêu thương mình và sự nỗ lực của bản thân trong những ngày qua lại thôi thúc tôi tiếp tục đứng dậy. May mắn, sau 2 tháng khổ luyện tôi có thể di chuyển trên đôi nạng”, anh Hải bộc bạch.

Dạy nghề cho người khuyết tật

'Cần câu cơm' của người bất hạnh ảnh 1
Những người khiếm khuyết có công ăn việc làm ổn định tại công ty của anh Hải.

Khi có thể di chuyển chập chững trên đôi chân của mình, anh Hải đăng kí học ngành công nghệ thông tin tại một trường đại học ở tỉnh Bình Định. Với mong muốn có cơ hội trau dồi kinh nghiệm, học hỏi cách quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật nên anh đến xin việc tại các thành phố lớn. Năm 2016, sau khi trở về Gia Lai anh Hải quyết định thành lập Công ty Star H2, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

“Trước kia, mặc dù có kinh nghiệm nhưng tôi vẫn bị từ chối nhiều lần vì phải chống nạng khi di chuyển. Chính vì vậy, những người khuyết tật đi xin việc lại càng khó khăn hơn. Do đó, tôi muốn thành lập công ty để giúp đỡ, hỗ trợ những người khiếm khuyết có công việc ổn định và vui vẻ hơn trong cuộc sống”, anh Hải nói.

Khi đến đây, những người khiếm khuyết chủ yếu học viết nội dung PR cho sản phẩm, lập trình, phần mềm, Web, sale top google, 7 thứ hạng website lên công cụ tìm kiếm… Thế nhưng, những nội dung này rất khó để học nên đòi hỏi phải thật kiên trì, nhẫn nại. Chính vì vậy, anh Hải đặc biệt chú ý đến cảm xúc của học viên để chọn thời điểm thích hợp truyền đạt kiến thức.

Anh Hải kể, từ ngày mới thành lập công ty đến nay có hàng chục người khuyết tật làm việc. Đến nay nhiều em đã đến các thành phố lớn để xin việc, có em trở về làm việc tại quê nhà hay ở lại công ty. Mỗi người đều được tạo điều kiện về chỗ ở, chi phí sinh hoạt và được trả lương từ 3 triệu đồng/tháng.

Anh Trần Việt Thắng (32 tuổi, trú tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã gắn bó với công ty của anh Hải được nhiều năm nay. Trước kia, Thắng cũng như Hải khi sinh ra lành lặn như bao người khác. Thế nhưng, sau một vụ tai nạn giao thông khiến anh bị chấn thương sọ não. Di chứng để lại làm anh bị liệt nửa người bên trái.

“Khi thấy thông tin công ty anh Hải đăng tuyển người học việc tôi liền đăng kí. Tại đây anh Hải luôn tận tình chỉ dạy, hỗ trợ tôi và những học viên khác rất nhiệt tình. Sau tai nạn tôi tưởng rằng mình sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình, nhưng bây giờ tôi có thể kiếm được tiền lo cho bản thân và gửi về phụng dưỡng cho bố mẹ”, anh Thắng chia sẻ.

Không chỉ dạy nghề, anh Hải còn truyền đạt các kỹ năng sống cho học viên. Anh thường xuyên tổ chức các buổi tham quan và vận động học viên, nhân viên trong công ty tham gia nhiều câu lạc bộ, chương trình từ thiện trên địa bàn.

“Tôi mong rằng mình sẽ có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục giúp đỡ những người khuyết tật để họ được trải nghiệm cuộc sống và tự tin trong cuộc sống khi được lao động bằng chính sức lực của mình”, anh Hải mong ước.

Với những cống hiến của mình, vào năm 2021, anh Trần Chí Hải vinh dự được nhận bằng khen về “Gương người tốt, việc tốt tiêu biểu” do Tỉnh Đoàn Gia Lai trao tặng.

Bài liên quan
'Thầy đồ' dạy… tiếng Anh
Không chỉ tình nguyện giảng dạy, “thầy đồ” Ninh Việt Trí (26 tuổi) còn kêu gọi nhiều cá nhân, tổ chức giúp đỡ trẻ em nghèo mở lớp học tình thương.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Cần câu cơm' của người bất hạnh