Cô giáo dành trọn thanh xuân nơi miền cao

Đức Trí | 16/07/2022, 06:36
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

24 năm gắn bó với giáo dục Lào Cai, cô giáo Vũ Thị Hoa, Trường Tiểu học Bắc Cường (Lào Cai) đã có nhiều cống hiến cho giáo dục vùng khó. Bước vào đổi mới giáo dục, cô không ngừng nâng cao chuyên môn… cùng đồng nghiệp xây dựng chất lượng, uy tín nhà trường.

Gửi thanh xuân trên vùng đất khó

Năm 1998, sau khi tốt nghiệp trung cấp Sư phạm Lào Cai cô Vũ Thị Hoa lên vùng cao Bát Xát công tác 16 năm. 3 năm đầu tiên cô nhận nhiệm vụ tại Trường Tiểu học Phìn Ngan, sau đó chuyển sang Trường Tiểu học Quang Kim giảng dạy 13 năm.

Xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát (Lào Cai) khi ấy đời sống bà con dân tộc vô cùng khó khăn lạc hậu, học sinh không biết tiếng Kinh, giáo dục chưa được quan tâm coi trọng. Người dân còn quan niệm “Đói ăn thì chết, đói chữ không chết” thế nên muốn có học trò người thầy vô cùng vất vả, nỗ lực trong công tác vận động.

“Chúng tôi phải đến từng gia đình có trẻ ở độ tuổi đi học vận động. Song để bà con đưa trẻ tới trường, trước hết thầy cô phải lấy được niềm tin, trở thành người uy tín. Và cách hữu hiệu nhất đạt được yêu cầu đó là giáo viên phải trở thành bạn, thầy của dân, hòa mình vào đời sống nhân dân trong cả lao động sản xuất lẫn sinh hoạt thường ngày…”, cô Hoa chia sẻ.

“Người dân khi ấy có thói quen bát đũa ăn xong để lưu dài không dọn rửa, khi dùng hết bát sạch mới rửa bát bẩn để dùng. Do đó bát đũa thường lên meo mốc. Nhà cửa chẳng mấy khi dọn dẹp, bề bộn mất vệ sinh vô cùng...

Mỗi lần đi vận động học trò đến lớp, giáo viên phải bỏ tiền túi mua và mang theo nước rửa bát để phát cho dân sử dụng. Nhiều khi giáo viên kiêm luôn việc rửa bát, hỗ trợ vệ sinh nhà cửa, dạy kĩ năng nuôi trồng sản xuất, tính toán giúp dân khi mua bán, đi chợ…”- cô Hòa nhớ lại.

Đến nay những năm tháng công tác tại huyện vùng cao Bát Xát còn mãi in đậm trong tâm trí cô giáo Vũ Thị Hoa bởi sự thiếu thốn trong đời sống vật chất, tinh thần. Cần mua báo, sách truyện giải trí, nâng cao kiến thức, thông tin… các cô giáo phải đi xe ôm lên trung tâm huyện mất 60.000 đồng/lượt, mỗi chuyến đi về tròn 120.000 đồng. Trong khi đó lương giáo viên là 400.000đồng/tháng. Cô Hoa và đồng nghiệp phải chi tiêu thật tiết kiệm may ra cuối tháng mới dư một phần để gửi về gia đình.

Đời sống giáo viên vùng cao còn luôn trong tình trạng không điện lưới, sóng điện thoại. Phòng công vụ chỉ có ngọn đèn thắp sáng bằng điện nước leo lét để soạn giáo án, sinh hoạt. Muốn xem ti vi, phải đi bộ từ 4h chiều và vượt qua 10km ra trung tâm.

Cô giáo dành trọn thanh xuân nơi miền cao ảnh 1
Cô Hoa luôn được phụ huynh, học sinh gửi trọn niềm tin.

Hành trình giáo dục của cô Hoa còn ghi dấu sự tích cực tham gia vào công tác phổ cập giáo dục. Nhiều năm liền cô dành trọn mùa hè ở lại địa phương cùng sinh viên tình nguyện dạy học (buổi tối). Cô dạy học trò đủ mọi lứa tuổi, dạy kĩ năng kiến thức thiết thực nhất với đời sống nhân dân chứ không bám theo giáo án hoàn toàn.

Với kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn, cô chú trọng dạy người dân đọc, viết thông thạo để có thể dân ứng dụng ngay vào đời sống, lao động sản xuất. Cũng cũng dạy họ những phép nhân chia đơn giản để có thể tự tính tiền khi đi chợ, mua bán. Với phụ nữ, trẻ em gái đến tuổi dậy thì cô tăng cường dạy kĩ năng sống, dạy giữ gìn vệ sinh thân thể, đau ốm đi khám không cúng bái, biết phân biệt loại trừ hủ tục (quan hệ tình dục lứa tuổi nhỏ; hôn nhân hoặc quan hệ cùng huyết thống…). Những ngày gắn bó với giáo dục vùng cao khó khăn Bát Xát đến nay vẫn in đậm trong tâm trí cô Hoa.

Tại Trường Tiểu học Quang Kim (Bát Xát, Lài Cai), cô Hoa đặt ra cho mình thử thách mới với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi lớp 4, lớp 5 dù hàng ngày đảm trách dạy khối 1, 2. Nhiều khi, để hoàn thành được tốt nhất nhiệm vụ, ban ngày dạy học trò trên lớp, tối cô lại đèo vài học sinh học tốt về nhà nấu cơm cho ăn, và bồi dưỡng thêm buổi tối… Với nỗ lực không ngừng, nhiều học sinh vùng cao do cô Hoa dạy học đã mạnh dạn dự thi toán tuổi thơ Violympic và đạt giải nhất, nhì cấp huyện.

“Tuổi thanh xuân và nghề dạy học trôi đi ở mảnh đất khó khăn biên cương tổ quốc. Thế nhưng tôi chẳng bao giờ nghĩ bỏ nghề. Luôn vui vẻ, động viên đồng nghiệp vượt qua toan tính đời thường, cống hiến cho nhà trường, học trò. 16 năm gắn bó với học trò vùng cao Bát Xát là minh chứng sinh động nhất cho tình yêu nghề, yêu trò luôn bùng cháy…”, cô Hoa tâm sự.

Hết mình cùng đổi mới giáo dục

Năm 2014, cô Vũ Thị Hoa chuyển về Trường Tiểu học Bắc Cường (Thành phố Lào Cai) công tác cho tới nay. Chuyển từ dạy học sinh đạt yêu cầu cơ bản sang đáp ứng yêu cầu hơn đòi hỏi cô Hoa không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tự học và học hỏi… để thích nghi với môi trường giáo dục mới.

Năm đầu tiên về trường “phố”, cô Hoa chưa được phân đứng lớp chỉ thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi lớp 4, 5. Đây là thách thức mới ở “sân chơi” không dễ dàng, do đó cô xin Ban giám hiệu được làm trợ giảng, dự giờ của hầu hết những giáo viên giỏi của trường để học hỏi phương pháp, cách dạy. Cùng đó chủ động quan sát cách học, tiếp thu, đòi hỏi của học trò thành phố. Từ đó đúc rút cho mình kinh nghiệm riêng để sẵn sàng đứng lớp.

Cô giáo dành trọn thanh xuân nơi miền cao ảnh 2
Cô Vũ Thị Hoa luôn gắn bó với học trò trong cả hoạt động nhỏ nhất.

Khi bản thân có nhu cầu học hỏi, đổi mới, nâng cao năng lực thì chuyên môn sẽ tiến bộ nhanh hơn. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu cũng tích cực hỗ trợ nên sau 1 năm về trường cô Hoa đã hòa nhập tốt với nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi và trực tiếp giảng dạy khối 5. Hiện nay cô được tin tưởng giao trọng trách tổ trưởng chuyên môn và tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi hàng năm của trường. Cô còn là giáo viên cốt cán bồi dưỡng giáo viên toàn thành phố…

Tính riêng 5 năm trở lại đây, dưới sự hướng dẫn của cô Hoa, học sinh của trường đã đạt hàng chục giải cấp thành phố, cấp tỉnh. Nhiều học sinh tham gia thi cấp quốc gia đạt giải (HCĐ, Triển vọng). Bản thân cô Hoa cũng đạt giải Ba cuộc thi “Giáo viên Tiểu học Sáng tạo, Hội nhập” cấp thành phố; Đạt giải Nhất cuộc thi “Giáo viên Tiểu học dạy giỏi cấp tỉnh”; Nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp Sở; Được UBND tỉnh khen thưởng nhiều năm liên tiếp.

Chia sẻ về đồng nghiệp, cô Trần Thị Mai Khanh, tổ trưởng tổ Ngoại ngữ, Trường Tiểu học Bắc Cường cho biết: Trong công việc, cô giáo Vũ Thị Hoa trách nhiệm, nhiệt huyết. Với chuyên môn, năng lực vững vàng, được nhà trường tin tưởng giao phó nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh và phụ huynh yêu mến tin tưởng. Cô Hoa còn là công đoàn viên xuất sắc, có nhiều sáng kiến trong việc hỗ trợ, ủng hộ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. Mạnh dạn tư vấn, đóng góp ý kiến cùng nhà trường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đời sống nhà giáo…

Nhà giáo Trần Thị Minh Chung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Cường (Thành phố Lào Cai, Lao Cai) đánh giá cao năng lực và những đóng góp cho của cô giáo Vũ Thị Hoa. Đồng thời khẳng định chuyên môn, tinh thần, trách nhiệm trong công việc của cô Hoa đã và đang có sự lan tỏa tích cực tới đồng nghiệp, học trò. Trở thành một trong những trụ cột chuyên môn, cùng đồng nghiệp xây dựng chất lượng giáo dục, uy tín, thương hiệu cho nhà trường.

Bài liên quan
Lai Châu: Ngày hội STEM vùng cao và nông thôn thúc đẩy chuyển đổi số
Huyện Than Uyên (Lai Châu) vừa tổ chức “Ngày hội STEM vùng cao và nông thôn thúc đẩy chuyển đổi số 2022”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện tổ chức chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô giáo dành trọn thanh xuân nơi miền cao