Cô Hòa cũng nhấn mạnh: “Chương trình GDPT mới học sinh sẽ có nhiều trải nghiệm cũng như đòi hỏi khá cao trong học tiếng Việt. Vì vậy giáo viên ở cấp mầm non, đặc biệt là giáo viên dạy cho trẻ 5 tuổi phải dạy các con tiếng Việt một cách thành thạo, rèn phát âm chuẩn để giảm bớt áp lực đầu cấp”.
Theo đó, hằng năm Trường Mần non Hương Liên đã tổ chức nhiều buổi giao lưu, trò chuyện và cho trẻ đi thăm quan trường tiểu học để các em được khám phá, trải nghiệm, được trực tiếp vào làm quen với cô giáo, các anh chị lớp Một.
“Qua đó để khi trẻ lên lớp 1 không bị bỡ ngỡ, kích thích ham muốn học tiếng Việt trong trẻ”, cô Hòa nói.
Xây dựng chương trình học riêng
Đặc thù địa phương học sinh chủ yếu là người đồng bào dân tộc, có tiếng nói riêng. Do đó, để tăng cường việc dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non ở huyện Đình Lập, ngành giáo dục đã lồng ghép vào các hoạt động trải nghiệm để giảng dạy.
Theo chia sẻ của bà Lã Hải Yến – Phó trưởng Phòng giáo dục huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn) cho biết: “Để kích thích học sinh học tiếng Việt, cũng như tự tin vào lớp 1 Phòng Giáo dục đã chỉ đạo các trường trang trí, gắn chữ cái, chữ số ở các góc học tập, lồng ghép vào hoạt động vui chơi.
Xây dựng các tiết học làm sao lồng ghép, rèn luyện giúp học sinh phát triển khả năng học tiếng Việt. Mỗi tiết, các trường sẽ lồng ghép 2-3 chữ cái để học sinh tìm hiểu và khám phá”.
Bên cạnh đó, bà Yến cũng chỉ ra một số khó khăn gặp phải trong quá trình dạy tiếng Việt cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số là hiện tượng học sinh bị ngọng.
Đối với những học sinh này, để phát âm chuẩn, Phòng giáo dục cũng như các trường mầm non đã đưa ra nhiều phương pháp để rèn luyện cho học sinh.
“Buổi chiều, những học tiết học chính khóa sẽ rèn 1-2 chữ cái thông qua các tiết như: Thơ, kể chuyện cho các em luyện nói, luyện phát âm. Hay trong các hoạt động vui chơi, đối với những học sinh bị ngọng giáo viên cũng ưu tiên để các em tham gia hoạt động, chia sẻ suy nghĩ cảm nhận của mình qua các hoạt động từ đó cô giáo sẽ hỗ trợ, điều chỉnh giúp học sinh”, bà Yến nhấn mạnh.