“Lạt mềm buộc chặt”
Cô Quế tâm sự: Đối với một cô giáo trẻ mới ra trường thì khó khăn lớn nhất là phải hiểu được tâm lý của từng học sinh. Từ đó, phải tự học để tìm ra những phương pháp dạy học tốt nhất. Và mỗi học sinh, cô Quế lại đưa ra một phương pháp riêng, trong đó đề cao những giải pháp mang tính nhân văn.
“Tôi còn nhớ có lần, một giáo viên chủ nhiệm lớp 4 của trường phản ánh lên ban giám hiệu là trường hợp em học sinh khó bảo. Em này không chịu học tập, tới lớp chỉ quậy phá và không nghe lời giáo viên”, cô Quế nhớ lại.
Chính cô Quế đã trực tiếp tìm gặp em học sinh này để trò chuyện, tâm sự. Ban đầu học sinh tỏ thái độ chống đối, không chịu chia sẻ. Thế nhưng, qua những cử chỉ, hành động, cô Quế hiểu bản chất học sinh không phải như vậy. Nhiều lần tiếp cận khiến cô – trò hiểu nhau hơn. Cô Quế cùng thường xuyên khen ngợi từ hành động nhỏ nhất em làm được.
“Sau một thời gian thì cô giáo chủ nhiệm trao đổi lại là học sinh đó đã có nhiều thay đổi. Vào ngày 20/11, chính em này đến tận phòng tặng tôi một bông hoa, khiến giáo viên trong trường phải ngạc nhiên. Tôi lấy đây làm kinh nghiệm để chia sẻ cho các giáo viên khác trong trường. Cái gì xuất phát từ tấm lòng thì cũng dễ dàng nhận lại được sự yêu mến”, cô Quế chia sẻ.
Là giáo viên công tác nhiều năm tại nhà trường, nên cô Nguyễn Thị Mai Quỳnh hiểu rõ và thường xuyên vận dụng phương pháp giáo dục này của cô Quế. Theo cô Quỳnh, cô Quế luôn là tấm gương về chuẩn mực đạo đức, lối sống và thực hiện nhiệm vụ để giáo viên toàn trường noi theo.
“Nhất là đối với người dân địa phương, cô Quế luôn gần gũi, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh. Dùng tình cảm và sự nhân văn để giải quyết mọi vướng mắc. Không chỉ dùng lời nói dễ hiểu, cử chỉ thân thiện, mà còn bằng những việc làm cụ thể, cô đã không chỉ chinh phục được học trò mà cả những phụ huynh khó tính”, cô Quỳnh nói.