PGS.TS Tạ Hải Tùng không tán thành với ý định cấm sinh viên sử dụng ChatGPT của nhiều trường đại học bởi đó là tư tưởng bảo thủ. Khi đưa công nghệ vào giáo dục, giảng viên, cơ sở giáo dục đại học sẽ hiểu sinh viên hơn. Theo đó, giảng viên có thể thảo luận, đồng hành hỗ trợ và hướng dẫn sinh viên sử dụng ChatGPT theo hướng tích cực. Kết quả học tập của sinh viên nhờ đó được nâng lên.
Ở thời điểm này, ChatGPT là phiên bản thể hiện thành công của AI và nó có thể trở thành trợ thủ đắc lực cho giáo viên. Bày tỏ quan điểm, ông Phùng Việt Thắng - Phó Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam đồng thời nhấn mạnh:
ChatGPT giúp thầy, cô lên lớp tự tin hơn. Lợi ích của công nghệ, phụ thuộc vào chính năng lực của người sử dụng.
ChatGPT soạn giáo án và người học có thể yêu cầu ứng dụng này đưa ra kế hoạch học tập cá nhân. Đó là điều vi diệu mà ông Mai Kết – cán bộ Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cảm nhận sau khi trải nghiệm ChatGPT. Hơn thế nữa, ứng dụng này có thể tạo ra lộ trình học tập phục vụ mục đích nhất định của người học. Điều này là hoàn toàn mới.
Công cụ tìm kiếm thông thường sẽ cho hàng nghìn, thậm chí hàng triệu kết quả. Giờ đây, ChatGPT đang mang lại cho chúng ta cuộc cách mạng thực sự. Một kết quả đã được tối ưu hoá trong hàng triệu kết quả khác, khiến người hỏi có thể tạm hài lòng.
“Một bức tranh sáng đang mở ra cho những ai có thể tiếp cận và ứng dụng ChatGPT một cách đúng đắn. Không có cảm giác “nghiện ChatGP” nhưng có cảm giác “cần ChatGPT” để việc dạy - học trở nên thoải mái, tiện lợi và đạt hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thấy rõ những hạn chế của ChatGPT như: Thiếu cập nhật, sự tự tin của ChatGPT vượt quá khả năng của ứng dụng này” – ông Mai Kết chia sẻ.
Chia sẻ tại Chương trình Toạ đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục” do Bộ GD&ĐT tổ chức, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, với công nghệ, một số việc của con người được làm thay. Đây là cơ hội lớn mà chúng ta cần có chính sách kịp thời. Trước hết, chúng ta cần thay đổi nhận thức, cách nhìn nhận những công nghệ này để đón nhận nó. Chúng ta không quá hào hứng nhưng cũng không nên lo ngại, hay hoảng sợ.
“Cách tốt nhất để hiểu nó, chính là dùng nó” - Thứ trưởng khẳng định, đồng thời mong muốn học sinh, sinh viên, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục sử dụng, cảm nhận, trải nghiệm để hiểu hơn về công nghệ. Từ đó, cùng nhau thảo luận, tiếp tục làm rõ lợi ích mà ChatGPT mang lại. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ GD&ĐT và các ban ngành có những chính sách lâu dài và kịp thời.
Hãy giúp các nhà giáo giảm bớt những công việc soạn bài giảng, giáo án lên lớp… thông qua công nghệ. Đưa công nghệ vào giáo dục để tăng năng suất, hiệu quả, chất lượng và bình đẳng trong giáo dục. Bộ GD&ĐT sẽ hướng tới tất cả hoạt động tích cực này.