Đặc biệt, biệt phái lên công tác tại các phòng GD&ĐT, đa số giáo viên còn chịu thiệt thòi về thu nhập. Thực tế, những người được biệt phái đều có thâm niên công tác, là giáo viên cốt cán, có chuyên môn và vị trí công tác ở trường sở tại. Thế nhưng khi biệt phái lên phòng GD&ĐT, ngoài giảm thu nhập, công việc vất vả hơn thì nhiều thầy cô không biết tương lai của mình sẽ đi đâu, về đâu sau khi hết thời hạn điều động.
Với trường có giáo viên biệt phái đi, những người ở lại cũng chịu nhiều vất vả, thiệt thòi vì chưa có cơ chế chính sách quy định về hỗ trợ chi trả tiền làm thêm giờ để thay thế cho đội ngũ được cử đi biệt phái, do kinh phí cấp theo biên chế. Còn nơi nhận biệt phái cũng nhiều tâm tư, vì giáo viên đến tăng cường chỉ trong thời gian ngắn, biết việc rồi đi, nhân sự thiếu sự ổn định, bền vững để bảo đảm chất lượng.
Thiếu giáo viên là vấn đề lớn, không chỉ hiện nay mà còn trong vài năm tới, nếu không có giải pháp căn cơ hoặc bổ sung biên chế thì tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành gặp nhiều khó khăn. Vì thế, biệt phái vẫn là một trong những giải pháp cần thiết để giải quyết tình thế.
Biện pháp này không chỉ góp phần chia lửa với vùng khó, nơi thiếu nhân sự mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đề cao trách nhiệm của mỗi cán bộ giáo viên cho sự nghiệp giáo dục vùng khó. Trong khi chờ những giải pháp căn cơ, bên cạnh việc làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện bố trí nhân sự công bằng, minh bạch, rất cần chính sách chăm lo chu đáo, có sức hút đối với giáo viên biệt phái để thầy cô yên tâm công tác và ổn định cuộc sống.