Ông Trần Lưu Hưng - chuyên gia về nông nghiệp nhìn nhận, lao động trong nông nghiệp rủi ro hơn các ngành nghề khác trong khi môi trường làm việc lại ít được giao tiếp xã hội. Cùng đào tạo bậc đại học với 4 năm nhưng mức lương chỉ bằng khoảng 50 - 55% so với các ngành nghề khác khi đi làm... Những lý do này khiến nông nghiệp khó thu hút được người học.
“Dẫu nhu cầu tuyển dụng của các công ty khá nhiều, mỗi tháng cần khoảng 70 - 80 lao động có chuyên môn về chăn nuôi, thú y, chế biến... làm việc tại các trang trại, nhưng do nhân lực thiếu hụt nên thực tế nhiều đơn vị chỉ tuyển được khoảng 10 - 20 người/tháng”, ông Trần Lưu Hưng nêu ý kiến.
Theo ông Hưng, để thu hút, khuyến khích người vào học các trường, ngành nông nghiệp, thời gian tới cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người học nông nghiệp (nông, lâm, thủy sản) như đối với ngành sư phạm hiện nay. Đối với các trường, học viện nông, lâm, thủy sản, để nâng chất lượng đào tạo và có sức hấp dẫn, thu hút người học, trước tiên phải đổi mới chương trình dạy học, học đi đôi với thực hành.
Đồng thời quan tâm, chú trọng liên kết với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản lớn để đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng, gắn đào tạo với sử dụng, tuyển dụng lao động...
Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội dẫn chứng, từ thực tế hợp tác với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo đã mang lại kết quả tích cực như: Nhân lực qua đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động; nâng cao chất lượng quản trị; tận dụng các máy móc, trang thiết bị, cơ sở vật chất và các nguồn lực doanh nghiệp trong phục vụ giảng dạy, qua đó cũng giúp nâng cao tinh thần khởi nghiệp và mở rộng cơ hội việc làm sau khi ra trường cho học sinh, sinh viên.
“Đào tạo những gì doanh nghiệp cần chứ không phải những gì nhà trường có. Muốn như vậy phải có doanh nghiệp cùng tham gia để nắm rõ hơn nhu cầu họ cần gì, tiêu chuẩn nhân lực ra sao để định hướng trong đào tạo. Phải thoát ly tư duy đào tạo những gì mà nhà trường đang có. Vì vậy, phải đẩy mạnh chất lượng nhà trường để đáp ứng yêu cầu nhân lực cho doanh nghiệp và việc làm cho sinh viên, khi đó mới thu hút thêm sinh viên theo học”, ông Ngọc chia sẻ.
Để đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo NNL chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngành nông, lâm, ngư nghiệp, Bộ NN&PTNT đề ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đạt bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn trên cả nước.
Tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ (từ sơ cấp trở lên) của nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản từ 4,6% năm 2020 lên 10% vào năm 2030. Các cơ sở đào tạo thuộc Bộ NN&PTNT tuyển sinh bình quân hằng năm: 200 nghiên cứu sinh; 2.500 học viên cao học; 20.000 sinh viên đại học; 8.000 sinh viên cao đẳng, 20.000 học sinh trung cấp và 40.000 học sinh sơ cấp.