Cần gói hỗ trợ an sinh cho người lao động

03/06/2023, 10:03
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trước thực trạng người lao động mất việc làm, bị giảm giờ làm hiện nay, chia sẻ cùng Tuổi Trẻ, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải có một gói an sinh xã hội để giúp người lao động ứng phó trước các rủi ro và ổn định đời sống cả trước mắt và dài hạn.

Dự án nhà ở xã hội cho công nhân tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Dự án nhà ở xã hội cho công nhân tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Từ báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cho hay trong những tháng đầu năm 2023 có 279.409 lao động phải thôi việc, mất việc làm. Do đó nếu xây dựng được một gói an sinh để hỗ trợ cho lao động mất việc là rất tốt.

Nguồn hỗ trợ cho người lao động từ đâu?

Về cách thực hiện, ông Đồng cho rằng cần phải xác định rõ người lao động mất việc nào sẽ được hỗ trợ và hỗ trợ này nhằm mục đích gì? Để hỗ trợ về sinh hoạt hằng ngày hay đào tạo nghề, giúp họ có công ăn việc làm mới...

Điều cần nhất là các địa phương cần có thống kê cụ thể tình hình mất việc, phân loại mất việc để báo cáo các bộ, ngành, Chính phủ để từ đó cùng đưa ra một phương án phù hợp.

  • Hơn nửa triệu lao động bị mất việc, giảm giờ làm, ngành nào nhiều nhất?

  • Đề xuất hỗ trợ lao động tự do đóng bảo hiểm tai nạn

  • Quan tâm chăm lo người lao động khó khăn

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng cấp thiết phải có một gói an sinh hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước tình trạng đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng.

Theo ông Ngân, có thể xem xét sử dụng nguồn lực từ gói tài khóa tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại nghị quyết 43 của Quốc hội với một số khoản chưa sử dụng và Chính phủ đang phải đề xuất xin chuyển nguồn, gắn với điều chỉnh một số đối tượng thụ hưởng cho phù hợp với tình hình mới.

Đơn cử như gói hỗ trợ giảm lãi suất 2%/năm, cùng một số gói hỗ trợ khác đã triển khai nhưng chưa thực sự hiệu quả, cần phải tháo gỡ về thủ tục để thông thoáng hơn cho các đối tượng tiếp cận hiệu quả.

"Chính phủ phải chuẩn bị từ bây giờ để kỳ họp tới trình để Quốc hội quyết định thực hiện điều chuyển nguồn với các khoản hỗ trợ trong nghị quyết 43. Trong đó lưu ý một số đối tượng thụ hưởng cần điều chỉnh cho phù hợp như cho doanh nghiệp vay trả lương người lao động, giữ chân người lao động trong bối cảnh giảm việc làm.

Hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện các dự án đề án chuyển đổi số để thích ứng nền kinh tế số hoặc hỗ trợ cho người nông dân hiện đại hóa, công nghiệp hóa nền nông nghiệp, thay đổi năng suất lao động, ứng dụng công nghệ", ông Ngân nói.

Nhiều người lao động đã xếp hàng chờ vào làm thủ tục tại Bảo hiểm xã hội quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Nhiều người lao động đã xếp hàng chờ vào làm thủ tục tại Bảo hiểm xã hội quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Hỗ trợ dài hơi giúp người lao động an cư

Nhìn ở góc độ dài hơi hơn, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho rằng cùng với chính sách an sinh thì cần hỗ trợ người lao động an cư trên cơ sở tháo gỡ những vướng mắc trong xây dựng nhà ở cho công nhân.

Đặc biệt, vừa qua đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp được Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt. Tuy vậy, thực tiễn Bắc Giang cho thấy triển khai đang gặp thách thức "trớ trêu", đó là công nhân muốn mua nhưng không đủ điều kiện.

  • Doanh nghiệp đóng cửa, gần 800 công nhân nghỉ việc có hỗ trợ

  • Ứa nước mắt cảnh công nhân nghỉ việc làm tiệc chia tay ngay trên vỉa hè

  • Hỗ trợ 2 triệu đồng/người lao động khi nghỉ việc tại Công ty An Giang Samho

Dẫn chứng tại dự án nhà ở xã hội thị trấn Nếnh (Việt Yên, Bắc Giang) có 4.000 căn hộ giá bán 12,3 triệu đồng/m2, từ khi công bố nhận hồ sơ đến nay mới có trên 200 công nhân đủ điều kiện mua nhà.

"Với tình hình như vậy, các chủ đầu tư dự án nhà xã hội lại đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vì không có khách hàng đủ điều kiện. Vì vậy cần mở rộng ngay điều kiện đối tượng mua, thuê nhà ở.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, tăng mức cho vay ưu đãi với lãi suất thấp để giảm chi phí giá thành, giúp người mua có mức giá tốt hơn. Điều kiện mua trả trước 30% thì nay có thể giảm còn 20%, tăng mức hỗ trợ vốn từ ngân hàng", ông Thịnh nói.

Ông Thịnh cho rằng nghị quyết 43 có giao 15.000 tỉ đồng để hỗ trợ người lao động mua nhà ở với lãi suất ưu đãi, hiện mới chi được 7.000 tỉ đồng thì cần tháo gỡ các thủ tục, điều kiện để tăng mức vay cho cả doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời kêu gọi thêm các ngân hàng thương mại tham gia hỗ trợ cũng với lãi suất thấp 4,8%.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Khang, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết đã lập đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất" nhằm giải quyết các khó khăn về nhà ở, nhà trẻ, nơi vui chơi, sinh hoạt văn hóa thể thao cho công đoàn viên, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Trong nhiệm vụ tới đây, Chính phủ đã giao tổng liên đoàn trực tiếp tham gia đầu tư dự án nhà ở bằng vốn tổ chức công đoàn để cho công nhân thuê.

Vì vậy, ông Khang cho rằng việc sớm hoàn thiện các luật liên quan như Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Đầu tư công, Quản lý tài sản công... trên cơ sở thống nhất ghi nhận tổng liên đoàn là một chủ thể đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành khu thiết chế công đoàn, sẽ giúp việc đầu tư hiệu quả hơn.

Ông Khang cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các nghị định hướng dẫn thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, theo hướng đơn giản hóa thủ tục.

Cùng với gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cần có thêm gói tín dụng cho công nhân, người lao động mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất ưu đãi không quá 3%/năm, thời gian vay không thấp hơn 25 năm để đảm bảo mức thu nhập...

Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến (TP.HCM):

Tổ chức công đoàn cần có chương trình hỗ trợ

Bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay tác động hầu hết các ngành nghề, nguy cơ doanh nghiệp phải cắt giảm lao động còn có thể tiếp diễn.

Trước tình hình đó, rất cần sự nỗ lực hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp; các chính sách ưu đãi từ Chính phủ phải được phát huy tối đa để hỗ trợ hiệu quả để doanh nghiệp duy trì hoạt động, hạn chế thấp nhất việc cắt giảm lao động của doanh nghiệp (như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% mà Chính phủ đang trình Quốc hội).

Cùng với đó vẫn có những ngành nghề doanh nghiệp cần thu hút thêm lao động để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Vì vậy, tổ chức công đoàn cần có chương trình hỗ trợ kết nối người lao động giữa doanh nghiệp đang có nhu cầu và doanh nghiệp tạm ngưng để đảm bảo công nhân có thể duy trì được việc làm.

Không chỉ cấp tiền, cần thông thoáng thủ tục

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng không chỉ cấp tiền, cần phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thông thoáng các quy định, điều kiện để người lao động tiếp cận các gói hỗ trợ được thuận tiện và hiệu quả hơn, tránh tình trạng có hỗ trợ mà không đến đúng đối tượng hoặc không tiếp cận được.

Đặc biệt, ông nhắc lại mới đây Thủ tướng đã chỉ đạo cần minh bạch quy trình, thủ tục hành chính, thông thoáng các điều kiện, quy định nên càng phải đặc biệt chú trọng công tác này.

Ông Tạo dẫn chứng gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh chỉ giải ngân ở mức thấp là do thủ tục, quy định quá chặt chẽ dẫn đến ngân hàng không dám cho vay.

Công nhân nhiều công ty vẫn bám trụ tại Bắc Ninh làm việc do thu nhập tốt hơn về quê dù ít tăng ca hoặc không tăng ca  - Ảnh: NG.BẢO

Công nhân nhiều công ty vẫn bám trụ tại Bắc Ninh làm việc do thu nhập tốt hơn về quê dù ít tăng ca hoặc không tăng ca - Ảnh: NG.BẢO

Công nhân sợ lọt vào danh sách bị nghỉ việc

Nằm sâu trong con hẻm 576 đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân (TP.HCM) là một dãy trọ với hàng trăm công nhân đang làm việc tại Công ty Pouyuen. Khi được hỏi thăm về tình hình việc làm và cuộc sống dạo này, nhiều người lao động nơi đây rơm rớm nước mắt.

Làm việc tại Công ty Pouyuen đã hơn 14 năm, chị Nguyễn Bích Lộc (38 tuổi, quê Tiền Giang) không khỏi lo sợ mình sẽ trong danh sách sa thải vào tháng sau. Cầm thông báo cắt giảm ngày làm tháng này, chị Lộc cho biết tháng trước chị đã bị cho nghỉ gần 10 buổi, tháng này lại có thông báo nghỉ tiếp 9 buổi nữa. Những ngày qua, tranh thủ lúc rảnh, chị đi đến những công ty và khu công nghiệp khác để tìm việc thêm.

Phụ với vợ, chồng chị Lộc miệt mài thêm những chuyến xe ôm nhưng dạo này trời nóng quá cũng ít khách nên tổng thu nhập của cả hai gần 10 triệu đồng/tháng. Để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, chị Lộc đã bàn bạc với chồng về việc buôn bán, nhưng theo chị, giờ nhiều người mất việc, ai cũng đổ xô đi buôn bán lặt vặt, người mua thì ít, người bán thì nhiều nên dự định này cũng khó mà làm được.

Chị Nguyễn Thị Bích Tuyền (27 tuổi, ngụ An Giang) cho biết đang tính đến việc trả nhà trọ về quê tìm gì buôn bán hoặc đi phụ hồ khi nghe ngóng có khả năng bị sa thải.

"Trước giờ làm nhiêu ăn nhiêu cũng không có để dành được gì mấy. Bây giờ chỉ trông chừng vào tiền bảo hiểm hơn chín năm làm việc thôi.

Dù sao làm công ty thì cũng có lương, có bảo hiểm chứ giờ ra ngoài thì cũng bấp bênh không biết làm gì nên mong chuyện bị sa thải không xảy ra", chị Tuyền nói.

Những ngày này, không khó để gặp nhiều dãy trọ đang treo bảng cho thuê vì nhiều phòng đã trả. Dãy trọ của ông Lê Văn Hùng (hẻm 576 Hồ Học Lãm, quận Bình Tân) chung cảnh ngộ.

"Từ hồi sau Tết đến giờ, tháng nào cũng có vài phòng trả lại", ông Hùng nói.

Trong khi đó, người còn được đi làm thì thèm được tăng ca. Anh Nguyễn Hưng, công nhân một công ty điện tử ở Hà Nội, cho biết trước Tết công ty anh vẫn tăng ca, tháng làm đủ 26 ngày công.

Tuy nhiên từ đầu năm đến nay anh không được tăng ca thứ bảy, chủ nhật nên thu nhập chỉ 6 - 7 triệu đồng/tháng.

"Năm 2021, mình mới đi làm công nhân, tăng ca đều thì thu nhập cũng được 10 - 12 triệu đồng/tháng. Nhưng hiện nay vợ chồng mình rất lo vì thu nhập giảm, con nhỏ mới hơn 1 tuổi nên nhiều khoản phải chi tiêu", anh Hưng nói.

Cố gắng tìm việc cho người lao động

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Lê Văn Thinh cho biết qua khảo sát hơn 3.000 doanh nghiệp ở TP.HCM, gần 40% doanh nghiệp nhận định gặp nhiều khó khăn trong năm tháng đầu năm, dự kiến đợt khó khăn này sẽ còn kéo dài đến quý 3.

Trong đó có 23% doanh nghiệp dự kiến là sẽ cắt giảm lao động trong quý tới. Việc kinh doanh các ngành nghề như dệt may, bất động sản, tỉ lệ cắt giảm lao động trong năm tháng đầu năm cao hơn so với các lĩnh vực khác.

Thời gian tới sở sẽ tổ chức đối thoại với Hiệp hội Doanh nghiệp TP, các nhóm doanh nghiệp để kịp thời lắng nghe, trao đổi, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.

Cùng với đó đề nghị Bảo hiểm xã hội TP chủ động kiểm tra, giám sát tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các doanh nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi, chế độ chính sách của người lao động.

Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho hay từ đầu năm đến nay cơ quan này đã tiếp nhận 32.255 hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp và đã ban hành quyết định cho 28.618 người lao động đủ điều kiện.

Tương tự, theo Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh, trong bốn tháng đầu năm 2022, gần 4.000 lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp và dự báo còn khoảng 10.000 lao động mất việc trong thời gian tới.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Quang Thành, phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết các địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương... đã thống nhất sẽ tăng số lượng các phiên, ngày hội việc làm trực tiếp, trực tuyến để kết nối cung - cầu lao động.

LƯU DUYÊN - H.QUÂN - N.BẢO

Cố gắng tìm việc cho người lao động

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Lê Văn Thinh cho biết qua khảo sát hơn 3.000 doanh nghiệp ở TP.HCM, gần 40% doanh nghiệp nhận định gặp nhiều khó khăn trong năm tháng đầu năm, dự kiến đợt khó khăn này sẽ còn kéo dài đến quý 3.

Trong đó có 23% doanh nghiệp dự kiến là sẽ cắt giảm lao động trong quý tới. Việc kinh doanh các ngành nghề như dệt may, bất động sản, tỉ lệ cắt giảm lao động trong năm tháng đầu năm cao hơn so với các lĩnh vực khác.

Thời gian tới sở sẽ tổ chức đối thoại với Hiệp hội Doanh nghiệp TP, các nhóm doanh nghiệp để kịp thời lắng nghe, trao đổi, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.

Cùng với đó đề nghị Bảo hiểm xã hội TP chủ động kiểm tra, giám sát tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các doanh nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi, chế độ chính sách của người lao động.

Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho hay từ đầu năm đến nay cơ quan này đã tiếp nhận 32.255 hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp và đã ban hành quyết định cho 28.618 người lao động đủ điều kiện.

Tương tự, theo Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh, trong bốn tháng đầu năm 2022, gần 4.000 lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp và dự báo còn khoảng 10.000 lao động mất việc trong thời gian tới.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Quang Thành, phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết các địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương... đã thống nhất sẽ tăng số lượng các phiên, ngày hội việc làm trực tiếp, trực tuyến để kết nối cung - cầu lao động.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần gói hỗ trợ an sinh cho người lao động