Theo đó, năm 2024, Bộ GD&ĐT vẫn giữ ổn định quy chế tuyển sinh như hai mùa tuyển sinh gần nhất. Điều này tạo tâm lý ổn định và vững tâm cho thí sinh. Học sinh và phụ huynh cần lưu ý các mốc thời gian trong tuyển sinh đại học.
Từ ngày 18-30/7, thí sinh đăng ký xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống, rút ngắn 8 ngày so với năm 2023. Ngày 21/7, Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn khối ngành khoa học sức khỏe và sư phạm.
Ngày 22/7 các trường đào tạo sức khỏe và sư phạm sẽ công bố điểm sàn của 2 khối ngành này. Từ ngày 31/7 - 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển. Trước 17 giờ ngày 19/8, tất cả các trường phải công bố điểm chuẩn. Thí sinh xác nhận nhập học lên hệ thống từ ngày 19 - 27/8.
Thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Đây là tài liệu rất quan trọng để các em ôn tập cho kỳ thi sắp tới.
Một số điểm quan trọng thí sinh cần nắm vững, để tránh xảy ra sai sót không đáng có, ảnh hưởng đến cơ hội của các em khi ứng tuyển. Đó là, ở mùa tuyển sinh 2024, giống như năm trước, toàn bộ quy trình xét tuyển, từ đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng, nộp lệ phí tuyển sinh và xác nhận nhập học đều tiến hành trực tuyến.
Các chuyên gia tư vấn tuyển sinh, giải đáp thắc mắc cho các thí sinh. |
“Chúng ta có thể thực hiện những bước này ở bất kỳ đâu, với phương tiện là máy tính kết nối internet. Các em không bỏ lỡ những cột mốc quan trọng, bởi toàn hệ thống không thể chờ đợi một vài thí sinh để quay ngược trở lại những khâu trước đó. Chính vì thế, phải bám sát quy trình này”, bà Hoàng Thúy Nga lưu ý.
Một điểm nữa Bộ GD&ĐT cũng đặc biệt nhắc nhở thí sinh, đó là việc tham gia vào các phương thức xét tuyển sớm của các trường đại học. Các em cần nghiên cứu rất kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học đã công bố trên website, bám sát về hồ sơ, thủ tục, giấy tờ và các thời hạn của nhà trường.
Bên cạnh đó, tất cả nguyện vọng của các em dù trúng tuyển sớm hay sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT đều phải đăng ký trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT.
"Nếu không nhập các nguyện vọng của mình lên hệ thống, nguyện vọng của các em sẽ không được ghi nhận và các em không thể chính thức trúng tuyển và nhập học. Do vậy, việc cần làm là các em nhập nguyện vọng của mình lên hệ thống, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ nguyện vọng một là cao nhất, sau đó đến nguyện vọng tiếp theo", đại diện Bộ GD&ĐT nhắc nhở thí sinh.
Ngày 20/4, chương trình “Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành Luật - Kinh tế” do Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tại trường THPT Đồng Quan, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Buổi đối thoại cung cấp cho học sinh THPT những thông tin hữu ích, thiết thực về các ngành học, tư vấn chọn trường, chọn nghề, cơ hội việc làm cũng như phương thức tuyển sinh ngành Luật - Kinh tế ở các trường đại học.