Cần tạo kháng thể vượt qua trầm cảm học đường

Ngọc Trang | 21/04/2022, 07:04
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chuyên gia cho rằng, giáo dục gia đình rất quan trọng trong việc giảm trầm cảm ở học sinh. Cần tổ chức những lớp học bắt buộc cho cha mẹ học sinh về kỹ năng làm cha mẹ, cách nuôi dạy con ở từng cấp học.

Cô Thu Anh dẫn chứng một trường hợp cụ thể về học sinh khi được bác sĩ yêu cầu nhập viện điều trị về tâm lý. Nhưng chính bố của em đó lại cho rằng con đang giả vờ, bởi vì “nó vẫn ăn hai bát cơm, nó vẫn xem phim hàng tiếng, nhưng chỉ khi học mới kêu mệt”.

Cần tạo ra kháng thể

Xã hội càng phát triển càng tạo ra nhiều mâu thuẫn xung đột, vấn đề là từ bé cần phải tạo ra kháng thể, phải phát huy được năng lực tiềm ẩn trong mỗi con người mới giúp học sinh thích ứng vượt qua. Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho rằng, cần làm sao để phát triển con người.

Theo ông Lâm, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thay đổi khá nhiều, phát triển phẩm chất năng lực, giảm đi lý thuyết hàn lâm và đưa thực hành vào cuộc sống. Nhưng liệu đã tôn trọng phát triển trẻ em từng lứa tuổi? Nhiều giai đoạn, chúng ta tập trung cho THPT, đại học. Đây là điều cần thiết cho phát triển nguồn nhân lực, nhưng những lứa tuổi dưới lại là nền tảng cần phải làm thật tốt, thật vững chắc.

Theo thầy Tùng Lâm, hiện nay, nhắc đến giáo dục, chúng ta thường nghĩ tới giáo dục nhà trường mà chưa chú ý tới giáo dục gia đình. Đây là vấn đề cần tập trung, coi đó là thước đo phát triển xã hội mới giải quyết được nạn bạo lực trong gia đình.

Ông đề nghị Bộ GD&ĐT cùng các ban, ngành phải có chương trình cho việc huấn luyện cha mẹ học sinh theo từng lứa tuổi. Thay vì việc họp phụ huynh là phổ biến với nộp tiền.

Theo Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, vấn đề giáo dục trong gia đình cần được đề cao. Chúng ta cần tổ chức những lớp học bắt buộc cho cha mẹ học sinh về kỹ năng làm cha mẹ, cách nuôi dạy con trong từng cấp học để giúp cha mẹ có thể nắm bắt được dấu hiệu tâm thần của con ngay từ đầu, kể cả cấp học mầm non.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, xã hội càng phát triển thì sẽ càng xuất hiện những mâu thuẫn, xung đột. Đó là quy luật tất yếu. Cha mẹ không hoàn toàn gây áp lực cho các em. Bởi trong một thế giới phát triển không ngừng, ai cũng tự phải trải qua những áp lực trong học tập để phát triển.

Nếu chúng ta không tạo cho trẻ khả năng thích ứng, khả năng giải quyết thì làm sao trẻ em trưởng thành, đáp ứng được với yêu cầu của xã hội, làm sao thích ứng và vượt qua được những áp lực khác sau này. Chúng ta không thể đổ lỗi cho áp lực, chỉ cần nó đừng vượt quá giới hạn cho phép.

“Chúng ta cũng cần tập trung đào tạo cán bộ quản lý, giáo viên. Điều băn khoăn hiện nay rất nhiều, nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ bàn bạc chứ chưa có cách giải quyết. Hiện nay, cán bộ tham vấn tâm lý học đường tại các trường từ mầm non đến THPT có vai trò rất quan trọng nhưng chúng ta vẫn chưa có biên chế cho đội ngũ này. Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ cần phối hợp cùng Bộ GD&ĐT, Quốc hội cũng cần sớm có kiến nghị để giải quyết bất cập này”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/vuot-qua-tram-cam-hoc-duong-can-tao-ra-khang-the-cho-tre-quYPS7w7R.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/vuot-qua-tram-cam-hoc-duong-can-tao-ra-khang-the-cho-tre-quYPS7w7R.html
Bài liên quan
Học sinh lớp 8 Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam nhảy lầu tự tử
(GDTĐ) - Ngày 1/4, cơ quan chức năng quận Hà Đông (Hà Nội) đã hoàn tất thủ tục khám nghiệm tử thi điều tra nguyên nhân tử vong của một học sinh lớp 8 và bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần tạo kháng thể vượt qua trầm cảm học đường