Ngăn ngừa tự tử ở trẻ vị thành niên

Vân Huyền | 09/04/2022, 06:01
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Nếu không được chia sẻ, hỗ trợ kịp thời và đúng cách, trẻ sẽ có những suy nghĩ tiêu cực. Đây là yếu tố có thể dẫn đến những rối loạn tâm lý và tăng nguy cơ tự tử ở trẻ vị thành niên.

TS.BS Ngô Anh Vinh - Phó khoa Sức khoẻ Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời gian qua, đơn vị này tiếp nhận một số trường hợp trẻ vị thành niên nhập viện do tử tự.

Trong số đó, có trường hợp bệnh nhi 13 tuổi nhập viện do tự tử bằng thuốc giảm đau liều cao. Trẻ cảm thấy bản thân không đáp ứng được những kỳ vọng của cha mẹ, thường xuyên xảy ra mâu thuẫn với gia đình do bất đồng quan điểm về phong cách sống và định hướng tương lai. Một trường hợp khác là bệnh nhi 14 tuổi. Trẻ đã uống thuốc ngủ tự tử sau khi bị mẹ đánh mắng.

Cả 2 trường hợp trên được đưa đi cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tổn thương tâm lý có thể ảnh hưởng đến suốt đời trẻ.

tre-tu-tu1.jpeg
Những thay đổi về nhận thức, thể chất, tâm lý và cảm xúc khiến trẻ nhạy cảm hơn. Ảnh minh hoạ.

Theo TS.BS Ngô Anh Vinh, ở tuổi vị thành niên, những thay đổi về nhận thức, thể chất, tâm lý và cảm xúc khiến trẻ nhạy cảm hơn với mọi thứ xung quanh. Trẻ gặp khó khăn trong việc tự điều chỉnh để thích nghi mối quan hệ với mọi người và những vấn đề khác.

Những áp lực vô hình trong cuộc sống hằng ngày của trẻ, nếu không được chia sẻ, hỗ trợ kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực trong trẻ ngày càng nhiều thêm. Đây là yếu tố có thể dẫn đến những rối loạn tâm lý và tăng nguy cơ tự tử ở trẻ vị thành niên.

Bên cạnh đó, tư duy muốn con phải nghe lời tuyệt đối của nhiều cha mẹ ở Việt Nam dễ gặp phải sự chống đối ở trẻ. Với những trẻ không chống đối, sự dồn nén tâm lý lâu ngày có thể đưa đến những hành vi phản ứng không ngờ.

Một số trẻ tự tử vì không giải tỏa được cảm xúc, cảm giác lạc lõng trong cuộc sống, một số khác tự tử vì “giận cha mẹ”, uất ức, tủi thân. Một số vì lo lắng không đáp ứng được kỳ vọng của người khác. Thậm chí, một số trẻ tự tử chỉ vì muốn gây sự chú ý của người khác, để mọi người mãi nhớ đến mình.

TS. Ngô Anh Vinh cho hay, ở tuổi vị thành niên, song song với việc phát triển thể chất, trẻ sẽ có những thay đổi rõ rệt về mặt tâm lý. Trong giai đoạn này, sự phát triển cái “tôi” ở trẻ sẽ khiến con có xu hướng cần cha mẹ tôn trọng những sở thích cá nhân và những quyết định của mình hơn.

Cha mẹ cần tập cho con kỹ năng tự lập và chịu trách nhiệm, dần trao cho con quyền quyết định một số vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên, cha mẹ cần luôn dõi theo con để kịp thời can thiệp, giúp đỡ con giải tỏa những lo âu, thay đổi những suy nghĩ lệch lạc của con.

tre-tu-tu2.jpeg
Một số trẻ tự tử vì không giải tỏa được cảm xúc, cảm giác lạc lõng trong cuộc sống. Ảnh minh hoạ

Ngoài ra, cha mẹ không nên áp đặt thành tích học tập hoặc kỳ vọng quá cao vì điều này sẽ gây áp lực cho trẻ. Cha mẹ nên biết nguyện vọng của con như thế nào, để hướng cho con đi đúng theo sở thích, niềm đam mê. Đừng cố áp đặt con theo mong muốn của cha mẹ.

Đặc biệt, cha mẹ nên dành nhiều thời gian để lắng nghe con, giải thích để con hiểu và dẫn dắt con đi đúng hướng. Cha mẹ tuyệt đối không vì bất lực, nóng giận mà nói ra những lời nhục mạ, xúc phạm, thậm chí là cấm đoán, ép buộc, bạo hành thân thể, tinh thần trẻ. Cha mẹ hãy động viên, không phán xét những lỗi sai, mục tiêu, cố gắng mà trẻ đang hướng đến.

Cha mẹ là những người thân yêu nhất của con, luôn bên con, cùng con từng bước trưởng thành, nhưng không vì thế mà nên can thiệp quá sâu vào cuộc sống của trẻ. Theo TS Vinh, phụ huynh hãy làm người bạn đồng hành của con, quan tâm trẻ đúng mực. Từ đó, mang lại cho trẻ sự tin tưởng để con có thể sẻ chia, tâm sự mỗi khi gặp khó khăn trong học tập và các mối quan hệ xã hội.

Bài liên quan
Tọa đàm trực tuyến chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân Covid
Nhân ngày sức khỏe thế giới 7/4, Nestlé Việt Nam sẽ phối hợp với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực dinh dưỡng và an toàn thực phẩm tổ chức buổi tư vấn trực tuyến về chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe cho bệnh nhân Covid và hồi phục sau Covid.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngăn ngừa tự tử ở trẻ vị thành niên