Bất cập trong tuyển dụng, sử dụng giáo viên được nói đến nhiều trong thời gian qua.
Bộ Nội vụ là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì quản lý biên chế, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên toàn quốc; trong đó có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục. Việc tuyển dụng giáo viên các cấp học thực hiện theo quy định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
Quá trình triển khai đổi mới giáo dục - đào tạo, ngành Giáo dục đối mặt với không ít khó khăn. Bộ GD&ĐT được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục nhưng hai nguồn lực quan trọng nhất để tổ chức thực hiện là “người” và “tiền” lại không có quyền quyết định.
Ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên; do đó, không chủ động được trong điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học. Sự phối hợp giữa ngành Nội vụ và Giáo dục trong tuyển dụng giáo viên còn thiếu chặt chẽ, chưa tính đến những yêu cầu đặc thù của nhà giáo.
Chưa kể, nhiều khi người đứng ra tuyển dụng nhân sự cho ngành Giáo dục không phải trong ngành, không hiểu đặc thù ngành. Giáo viên không chỉ là viên chức mà còn là nhà giáo dục, nhà sư phạm. Ngoài đáp ứng yêu cầu như những viên chức trong các ngành nghề khác, giáo viên phải thích ứng với bộ quy tắc ứng xử phù hợp từng cấp học. Do đó sẽ khó phù hợp khi tuyển dụng giáo viên như viên chức các ngành nghề khác.
Những bất cập trong tuyển dụng, sử dụng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiện tượng thừa thiếu giáo viên cục bộ không thể khắc phục thời gian dài qua. Hơn nữa, việc bố trí, điều động, phân công giáo viên chưa sát với nhu cầu thực tế của từng trường, từng địa phương...
Nói về sự phân công trách nhiệm giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay, có chuyên gia cho rằng chỉ phù hợp với mô hình quản lý nhà nước truyền thống về giáo dục, khi Nhà nước giữ vai trò vừa là người cầm lái, vừa là người chèo thuyền.
Tuy nhiên, từ hơn hai chục năm nay, trong bối cảnh hình thành và phát triển thị trường giáo dục, khi quản lý nhà nước về giáo dục ở nước ta từng bước chuyển sang mô hình quản lý công mới, nhà giáo phải được coi là nguồn lực quan trọng cần được điều chỉnh trong một khung pháp lý kiến tạo, thì mô hình quản lý nhân sự như trên không còn phù hợp.
Cũng chính bởi vậy, Bộ GD&ĐT xác định đổi mới tuyển dụng là một trong những nội dung mang tính đột phá ở công tác quản lý nhà nước về nhà giáo. Tại dự thảo Luật Nhà giáo, tuyển dụng, sử dụng là nội dung quan trọng, chiếm đến 22 Điều (từ Điều 18 đến Điều 39).
Điểm mới nổi bật là công tác tuyển dụng nhà giáo cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập được thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Bộ GD&ĐT chủ trì tổ chức công tác tuyển dụng trên cơ sở quyết định về số lượng biên chế, phân bổ biên chế của cấp có thẩm quyền.
Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT chịu trách nhiệm tổ chức công tác tuyển dụng tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Công tác điều động, biệt phái nhà giáo cũng do cơ quan quản lý giáo dục quyết định. Những thay đổi trên chắc chắn làm tăng hiệu quả công tác tuyển dụng nhà giáo; từ đó có lời giải thỏa đáng cho bài toán xây dựng đội ngũ đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu chưa thể thực hiện được trong suốt thời gian qua.