Thời sự

Cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng về chính sách tiền lương nhà giáo

27/06/2024 15:03

Đại biểu Dương Minh Ánh cho rằng, cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng về chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp nghề với nhà giáo.

Thảo luận về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024 (chiều 26/6), đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) nhấn mạnh, chính sách tiền lương đối với nhà giáo được nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương hệ thống lương hành chính sự nghiệp.

Tuy nhiên, sau 11 năm, đến nay chủ trương vẫn nằm nguyên trên giấy, chưa được triển khai. “Suốt thời gian qua, các nhà giáo vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó sẽ có thay đổi lớn về chính sách tiền lương đối với nhà giáo”, đại biểu Dương Minh Ánh chia sẻ.

Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ khi nghiên cứu chính sách cải cách tiền lương cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng bằng luật hoặc các văn bản dưới luật về chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp nghề đối với các nhà giáo.

Liên quan việc xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm để thực hiện chính sách tiền lương, đại biểu cho biết, hiện các bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt đề án vị trí, việc làm nhưng vẫn còn mang tính hình thức, thiếu rất nhiều ngành nghề, dẫn đến khó khăn cho các đơn vị triển khai thực hiện.

Vì vậy, đại biểu Dương Minh Ánh đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành bổ sung danh mục vị trí việc làm theo lĩnh vực quản lý của bộ, ngành mình, lấy ý kiến rộng rãi của chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị, tổ chức, cá nhân để sớm hoàn thiện danh mục này.

Giáo viên và trẻ mầm non quận Tây Hồ trong một hoạt động giáo dục.
Giáo viên và trẻ mầm non quận Tây Hồ trong một hoạt động giáo dục.

Đồng tình cao với Báo cáo 329 ngày 21/6/2024 của Chính phủ về các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội, đại biểu Dương Minh Ánh cho biết, với quan điểm và nguyên tắc khi triển khai chính sách cải cách tiền lương và các chính sách có liên quan cần có lộ trình phù hợp, từng bước thận trọng, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và khả năng chi trả của ngân sách thì việc Chính phủ đề xuất tăng mức lương cơ sở lên 30% vào thời điểm từ 1/7/2024 là hợp lý, khả thi và có thể thực hiện ngay trong thời gian tới đây.

Theo đại biểu, giải pháp điều chỉnh tăng lương cơ sở đối với công chức, viên chức và lực lượng vũ trang khu vực công từ 1,8 triệu đồng lên 2.340.000 đồng (tăng 30%), bổ sung quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản sẽ áp dụng từ 1/7/2024 tới đây đã đáp ứng được một phần sự mong mỏi của cử tri.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng về chính sách tiền lương nhà giáo