Mang họa với thuốc “gia truyền”
Thời gian qua đã có những vụ việc liên quan đến việc dùng thuốc nam, thuốc đông y "gia truyền" chẳng những bệnh không thuyên giảm mà còn nặng hơn. Thậm chí người bệnh bị nhiễm độc gây ảnh hưởng đến tính mạng.
Thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, thời gian gần đây đơn vị đã tiếp nhận nhiều ca nhiễm độc kim loại nặng do uống thuốc đông y kéo dài. Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ phát hiện những bệnh nhân này đều có tiền căn khỏe mạnh hoặc không có bệnh liên quan, nhưng sau đó đột ngột xuất hiện các triệu chứng và diễn tiến nặng dần lên.
Điển hình trường hợp nữ bệnh nhân N.T.H. (27 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk). Dù bệnh nhân này đã đượcđiều trị bệnh viêm cột sống dính khớp tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ lâu, nhưng chữa trị mãi không khỏi, tình trạng sức chuyển biến xấu dần.
Nghe lời khuyên của hàng xóm rằng "bị bệnh viêm cột sống dính khớp nên uống thuốc nam sẽ tốt hơn thuốc tây", chị H. đã chuyển sang uống thuốc nam.
Sau bốn tháng dùng thuốc nam, bên cạnh bệnh viêm cột sống dính khớp không cải thiện, chị H. còn bị tiêu chảy kéo dài, cơ thể bị phù, suy kiệt...
Diễn tiến bệnh càng lúc càng nặng, chị H. đến khám tầm soát tại Bệnh viện Chợ Rẫy, được các bác sĩ cho biết chị bị loét đường ruột rất nặng và bị nhiễm độc kim loại nặng từ thuốc nam.
Bác sĩ yêu cầu chị H. ngưng uống thuốc nam để cắt đứt nguồn độc. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm độc kim loại nặng đã làm mất protein qua đường ruột. Vì vậy, bệnh nhân buộc phải truyền albumin, truyền đạm mỗi ngày trong suốt hai năm, với tổng chi phí hàng trăm triệu đồng.
Theo TS. BS Hoàng Văn Quang - trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM: Bệnh viện này đã tiếp nhận những bệnh nhân bị nhiễm độc do uống thuốc nam. Bệnh nhân thường đến bệnh viện với biểu hiện nhiễm độc của đường tiêu hóa, suy thận cấp, toan đông máu... Trong những loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc này có thể được trộn rất nhiều chất "độc, lạ" mà bệnh nhân có thể không biết.
Không ít bệnh nhân mắc bệnh khớp kể rằng, khi mới uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc này, họ thấy trong người dễ chịu, triệu chứng bệnh giảm đi rõ rệt mà không biết thuốc này đã trộn corticoid, uống lâu dài sẽ không tốt cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó có những loại thuốc đông y còn trộn những kim loại nặng như chì, đồng, kẽm, asen... Khi uống những loại thuốc này sẽ gây ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể như tim, thận, mắt...
Các kim loại này sẽ tích tụ dần dần, đến thời điểm biểu hiện triệu chứng đầy đủ và rõ thì bệnh nhân đã bị nhiễm độc ở mức trung bình. Khi bị nhiễm độc quá nặng có thể chuyển thành ngộ độc bán cấp và cấp tính, có nguy cơ dẫn đến tử vong nhanh.
Để tránh trở thành nạn nhân của các “thầy lang online” cũng như những bài thuốc đông y “gia truyền” không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng không nên tự ý mua thuốc một cách tùy tiện. Nếu mua thuốc – kể cả thuốc đông y, phải có chỉ định của bác sỹ, người có chuyên môn. Tuyệt đối không nghe theo quảng cáo, truyền miệng, mua thuốc bán trên mạng xã hội.
Người dân muốn chữa bệnh theo phương pháp y dược cổ truyền, phải tìm đến các cơ sở điều trị có uy tín, được cấp giấy phép, các thầy thuốc đông y phải có chứng chỉ hành nghề để được chẩn đoán, kê đơn, điều trị đúng bệnh.
Kiên quyết không nên nghe theo những lời truyền miệng, lời quảng cáo của các “thầy lang online” dán mác thuốc đông y " gia truyền" để tránh mắc họa "tiền mất, tật mang".