“Buổi tối, em thường học từ 20h đến 24h. Nhiều hôm, em học đến 1h hoặc dậy sớm từ 5h để học tiếp, tình trạng thiếu ngủ luôn thường trực”, Tuyết Anh chia sẻ và cho biết nhiều ngày rồi, em đi ngủ trong trạng thái thấp thỏm lo lắng, có hôm còn mơ thấy cả công thức toán học.
Cả một năm vừa rồi, nữ sinh cũng phải gác lại những sở thích cá nhân, thậm chí 2 tháng nay, em tạm dừng chơi bóng rổ để tập trung cho việc học.
Học nhiều là vậy, Tuyết Anh vẫn rất lo lắng cho kỳ thi sắp tới bởi đợt thi thử vừa rồi, em đạt 6,5 điểm môn chuyên, nghĩa là so với điểm chuẩn năm ngoái, em phải đạt 8,5-9 điểm mỗi môn điều kiện thì mới có khả năng đỗ. Chưa kể, Tuyết Anh cho rằng "không có gì là chắc chắn". Chính vì vậy, em không được chủ quan mà phải cố gắng mỗi ngày.
Với Tuyết Anh, sự căng thẳng không chỉ xuất phát bởi việc học nhiều. Nữ sinh cho biết nhiều lúc, em xuất hiện tình trạng áp lực đồng trang lứa bởi lớp em có 28 bạn thì có tới 20 bạn thi chuyên. Bên cạnh đó, dù bố mẹ rất tâm lý, Tuyết Anh vẫn tự áp lực bản thân phải đỗ để bố mẹ tự hào.
“Nhiều lúc em cũng nản, tự hỏi sao bản thân phải học nhiều đến vậy. Và em khóc. Nhưng khóc xong rồi thì em lạc quan hơn, tiếp tục cố gắng. Em tự đưa bản thân vào nề nếp, không cho phép bản thân học kém và em thấy vui vì điều đó", Tuyết Anh kể.
Theo Tuyết Anh, bố mẹ rất ủng hộ và đầu tư cho việc học tập của em. Không chỉ tiền bạc cho việc đi học thêm, mua sách vở, bố mẹ em cũng dành thời gian để đưa đón, quan tâm, chăm sóc con gái. Chính vì vậy, nữ sinh lấy đó làm động lực cố gắng.
Tuyết Anh luyện đề môn Tiếng Anh mỗi tối. Ảnh: NVCC. |
Để cân bằng việc học, thời điểm nước rút này, Tuyết Anh cho biết em lên kế hoạch rất rõ ràng. Biết bản thân không thể học một môn trong thời gian quá dài, nữ sinh sắp xếp học lần lượt cả 3 môn ở mỗi buổi tự học.
Theo đó, ở môn Văn, Tuyết Anh tập trung nắm chắc văn bản, đọc thêm đề văn mới và thực hiện phân tích nếu cần. Với môn Toán, mỗi tối em sẽ hoàn thành một chuyên đề gồm 20 bài tập. Riêng với môn Tiếng Anh, mỗi tối nữ sinh sẽ hoàn thành một bài kiểm tra và làm thêm các mục nhỏ bên ngoài. Những lúc mệt mỏi, nữ sinh nghe nhạc, đọc sách hoặc ra ngoài đi bộ để thay đổi không khí, cân bằng lại cảm xúc.
“Nếu mệt quá, học cũng không hiệu quả, em sẽ đi ngủ sớm và sáng hôm sau dậy sớm học. Mấy ngày nghỉ lễ, em cũng thoải mái hơn, cho phép bản thân ngủ nhiều hơn một chút để nghỉ ngơi. Ngoài ra, mẹ cũng làm nhiều món ngon nên em cố gắng ăn uống để giữ sức khỏe, không để bản thân kiệt sức", Tuyết Anh kể.
Theo Tuyết Anh, việc nghĩ về những điều tích cực và lên kế hoạch sau khi thi xong cũng là cách để em bớt căng thẳng.
“Ngay sau khi thi xong, em sẽ ngủ một giấc thật ngon. Em sẽ được chơi bóng rổ nhiều hơn, được thoải mái đi chơi với các bạn. Em cũng dự định sẽ học tiếng Pháp nữa”, Tuyết Anh nói.
Ôn thi gặp nhiều khó khăn, bản thân cũng áp lực đến phát khóc nhưng Gia Linh chưa từng nghĩ đến chuyện bỏ thi. Đối với em, khối chuyên Toán của trường THPT chuyên Đại học Vinh là môi trường em mong ước từ lâu nên em muốn theo đuổi đến cùng để đạt mục tiêu.
Hiện chỉ còn một tháng là bước vào kỳ thi chính thức, Gia Linh bắt đầu nghĩ đến chuyện thay đổi phương pháp học để nâng cao hiệu quả và hạn chế nguy cơ kiệt sức.
Linh nói rằng thời gian còn lại, em sẽ tập trung toàn lực để luyện đề, không sử dụng điện thoại để tránh xao nhãng, mất tập trung. Em cũng sẽ hạn chế thức khuya, chỉ học vào ban ngày để ngủ đủ giấc vào ban đêm. Nữ sinh không muốn bản thân bị ốm trước kỳ thi.
“Bố mẹ em không ủng hộ em học trường chuyên, chỉ muốn em học trường cấp 3 gần nhà. Hiện em đang đi trên con đường không mấy ai ủng hộ, em cũng nản nhưng vẫn muốn quyết tâm ôn thi đến cùng”, Gia Linh nói với Zing.