Từng được kỳ vọng sẽ phát triển kinh tế địa phương, thế nhưng mọi thứ “vỡ mộng”. Sau hơn 10 năm ngừng hoạt động, hiện tại nơi đây trở nên nhếch nhác, cỏ dại mọc um tùm, dàn máy móc sản xuất trở nên hoen gỉ. Khung cảnh nơi đây dường như đã bị lãng quên khi các máy móc sản xuất trở thành đống sắt vụn.
Điều đáng lo ngại nhất là hiện còn gần 100.000 tấn quặng chất từng đống như núi từ năm 2010 đến nay đã rỉ sét, nước chảy ra hố lắng của nhà máy.
Sống bên cạnh nhà máy, nhiều hộ dân cho biết, nước sinh hoạt của gia đình đã bị nhiễm phèn nặng. Họ cho rằng nguyên do nước bị ô nhiễm là do số lượng quặng sắt tập kết bên ở nhà máy qua thời gian để ngoài trời đã ngấm xuống lòng đất. Về lâu dài nếu không có phương án xử lý sẽ gây nhiều hệ luỵ đến môi trường.
Sản phẩm quặng còn sót lại trên dây chuyền máy móc.
Cỏ dại mọc um tùm bên trong khuôn viên. Trong ảnh là khu vực hệ thống điện của nhà máy.
Ông Nguyễn Đăng Nhàn, Chủ tịch UBND xã Thọ Điền (huyện Vũ Quang) cho biết, kể từ khi nhà máy ngừng hoạt động, địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên về phương án xử lý. Gần 20ha đất nông nghiệp thu hồi để nhường cho dự án này, nhưng giờ hoạt động không hiệu quả, bỏ hoang gây lãng phí. Dân giờ muốn sử dụng làm nông nghiệp cũng khó.
"Ngoài ra số lượng nguyên liệu quặng sắt rất lớn chưa xử lý cũng là vấn đề đáng lo ngại về môi trường. Theo quy định thì bán cũng không được, để tại chỗ đó có một số hộ dân sống cạnh nhà máy cũng phản ánh về vấn đề ô nhiễm. Địa phương đã tiếp nhận và báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền để xử lý”, ông Nhàn nói.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện UBND huyện Vũ Quang cho biết, đơn vị vừa có văn bản báo cáo UBND tỉnh xem xét có giải pháp tháo gỡ, xử lý dự án Nhà máy tuyển quặng sắt Vũ Quang. Theo đó, huyện kiến nghị đề xuất có phương án tái cơ cấu lại nhà máy để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật hoặc thanh lý, giải thể; có giải pháp tiêu thụ gần 100.000 tấn quặng tồn lưu tại nhà máy. Trong ảnh máy móc sản xuất của nhà máy đã bị hư hỏng, khó có thể tái sử dụng.