Những hôm thời tiết Hà Nội rét buốt, gió từ mặt nước thổi qua các khe trống ùa vào khiến cặp vợ chồng già tê tái vì rét. Ảnh THANH TÚ
Ông Nguyễn Văn Thành và bà Nguyễn Thị Thủy gặp nhau từ hơn 50 năm trước trong một lần đi nhặt rác. Gặp nhau vài lần rồi thương, tặc lưỡi về “chung nhà”. Không con cái, họ sống lay lắt trên khắp phố phường rồi cuối cùng đưa nhau về đây, dựng chiếc bè sống cho qua ngày.
Hai năm trở lại đây, mắt bà Thủy yếu dần rồi mù lòa, cũng là lúc ông Thành bị lãng tai, không còn được nghe những âm thanh của cuộc sống như trước. Dù vậy nhưng ông vẫn lo mọi việc cơm nước, trồng rau, nhặt rác ở bãi đất ven bờ. Rồi cả hai mất hoàn toàn sức lao động, họ sống nhờ vào những người khác, ai cho cái gì thì họ có cái đó.
Khu nấu ăn tạm bợ của ông bà ngay trên chiếc lều. Ảnh PHI HÙNG
Đến nay, họ cũng đã dắt tay nhau hơn 50 năm đi qua nghèo khó, đói khát, đắng cay. Nhưng khi được hỏi về những thiếu thốn, cặp “chồng điếc, vợ lòa” cứ hồn nhiên cười ha hả, giòn tan. Những ngày rét buốt cuối năm, Tết đến, cũng như những năm trước, ông bà chỉ biết chờ đợi vào sự hỗ trợ của các đoàn thiện nguyện. Họ cũng chẳng có mong muốn, ước vọng gì cho năm mới.
Giờ đây cuộc sống của hai ông bà lúc cuối đời trên túp lều dưới sông Hồng hoàn toàn phụ thuộc vào những tấm lòng hảo tâm. Ảnh THANH TÚ
Trong những ngày giáp Tết rét buốt này, nhắc đến quê quán Thái Bình, bà Thủy gạt ngay đi: “Bà không thích nhắc đến quê, nhắc làm gì nữa. Họ hàng anh em giờ cũng không còn gì, không ai nhận”.
Rồi như chợt nhớ ra điều gì, bà lẩm bẩm: “Họ bảo mai mở cống, nước lại lên giữa trời rét buốt…”.