Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng hiện có 2 máy in chữ nổi. Tuy nhiên, máy in nhiệt dùng để in hình đã có thời gian sử dụng gần 20 năm, thường xuyên phải gửi mua linh kiện để thay thế. “Thậm chí, các thầy cô còn sáng tạo, mua bếp điện rồi tháo bộ phận may so, lắp vào máy in nhiệt cho nóng lên để in. Lần đầu, chỉ 1 dây may so nên không đủ nhiệt độ, lại phải lắp thêm 2 cái mới đủ độ nóng để in”, cô Đỗ Thị Quyên kể.
Trẻ vui chơi trong khuôn viên Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Sóc Trăng. Ảnh: CTV |
Trước khi triển khai Chương trình GDPT 2018, Trường Chuyên biệt Tương Lai (Đà Nẵng) sử dụng tài liệu của Trung tâm tật học - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam biên soạn để dạy học sinh khuyết tật trí tuệ. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Duy Quy cho biết, kể từ khi thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới, nhà trường sử dụng bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống cho học sinh các lớp 1 - 2 - 3.
“Các thầy, cô giáo sẽ căn cứ vào mức độ tiếp nhận của học sinh để giảm tải một số nội dung kiến thức cũng như yêu cầu đạt được. Có những bài, với học sinh thường, theo phân phối chương trình, chỉ dạy trong 1 tiết nhưng trẻ khuyết tật, thầy cô phải dạy từ 2 - 3 tiết hoặc nhiều hơn thế”, thầy Nguyễn Duy Quy trao đổi.
Hiện, các trường chuyên biệt đều không có chương trình dạy – học thống nhất. Có một số trường sử dụng sách giáo khoa của Chương trình GDPT 2018 và “gia giảm” một số kiến thức, kỹ năng. Thầy, cô giáo tự xây dựng tiêu chí đánh giá học sinh dựa trên khả năng tiếp nhận, tình trạng sức khỏe, tinh thần. Vì vậy, theo thầy Quy, nếu có một chương trình – sách giáo khoa để các trường chuyên biệt dùng chung thì rất thuận tiện trong tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cũng như chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm dạy học.
Chương trình, sách giáo khoa cho trẻ em khuyết tật chưa được hoàn chỉnh. Bước đầu chỉ mới xây dựng được chương trình khung cho bậc tiểu học dành cho trẻ khiếm thị và khiếm thính, bậc THCS áp dụng chương trình khung của hệ bổ túc THCS. Chưa có chương trình dành riêng cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ.