Theo cô Vũ Thị Anh, sử dụng trò chơi trong dạy học Lịch sử giúp học sinh thay đổi hình thức, phương pháp học truyền thống trước đây, làm cho giờ học bớt căng thẳng, nặng nề, tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu, tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng, hứng thú, đồng thời phát triển các phẩm chất, kỹ năng.
Giáo viên có thể thiết kế các mini game, như: Ô chữ, “Ai là triệu phú”, Quay số, Đúng hay sai... Ví dụ, với trò chơi “Đúng hay sai”, giáo viên nêu tên một nhân vật/niên đại và 3 sự kiện cùng với mỗi nhân vật/niên đại đó để học sinh lựa chọn những sự kiện gắn liền với nhân vật lịch sử/niên đại; chỉ cần trả lời đúng hoặc sai…
“Các trò chơi bao giờ cũng được tiến hành theo những nguyên tắc nhất định. Giáo viên cần chọn trò chơi phù hợp, xác định được phạm vi, mục đích của trò chơi; tổ chức, biên soạn câu hỏi cho trò chơi phải bám sát “chuẩn kiến thức kĩ năng” của bộ môn. Trò chơi cần động viên, khích lệ học sinh tham gia bằng cách cho điểm hoặc khen ngợi các em có câu trả lời nhanh và đúng nhất” - cô Vũ Thị Anh chia sẻ.
Sử dụng câu chuyện về nhân vật trong dạy học lịch sử
“Tại sao học sinh ít hứng thú với môn Lịch sử?”. Trả lời câu hỏi này, cô Trần Thị Vui, giáo viên Trường THPT Phù Cừ (Hưng Yên) cho rằng, một trong những nguyên nhân là việc chậm đổi mới phương pháp dạy học.
Để nâng cao hiệu quả từng loại bài học lịch sử, đồng thời tạo hứng thú học tập cho học sinh, hiện nay đã có nhiều phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại. Theo cô Trần Thị Vui, giáo viên có thể áp dụng nhiều phương pháp dạy học khác nhau, như: Kết hợp các phương pháp hiện đại (dạy học hợp tác, dự án…) với các phương pháp truyền thống (như miêu tả, tường thuật hay kể chuyện lịch sử…) để nâng cao hiệu quả bài học tốt nhất.
Cô Trần Thị Vui cũng cho rằng, mỗi câu chuyện lịch sử sẽ là một điểm nhấn quan trọng trong các bài học. Bởi qua đó học sinh có thêm hứng thú với bài học, bộ môn, có ham muốn khám phá tri thức lịch sử; đặc biệt giúp học sinh dễ dàng ghi nhớ kiến thức hơn.
“Việc thường xuyên sử dụng câu chuyện về nhân vật trong dạy học lịch sử sẽ góp phần quan trọng hình thành kiến thức, giáo dục và phát triển toàn diện học sinh theo mục tiêu bộ môn Lịch sử hiện nay”. Khẳng định điều này, cô Trần Thị Vui lưu ý, khi sử dụng câu chuyện lịch sử, giáo viên phải biết chắt lọc, kể gọn và sau mỗi câu chuyện phải biết đặt những câu hỏi hoặc gợi ý cho học sinh nêu lên suy nghĩ của mình, từ đó giáo dục tư tưởng cho học sinh.
Thay bằng việc kể lại câu chuyện từ đầu đến cuối, giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu và kể lại câu chuyện; như vậy chính các em sẽ được hóa thân vào nhân vật, hiệu quả giáo dục sẽ cao hơn rất nhiều.
“Nguyên tắc khi kể chuyện trong giờ học lịch sử là không kể tràn lan và phải thông qua câu chuyện để làm nổi bật nội dung bài, giáo dục tư tưởng cho học sinh.
Lúc kể những câu chuyện lịch sử chính là lúc học sinh tập trung chú ý lắng nghe, đó là cơ hội tốt để giáo dục tư tưởng cho học sinh, làm cho các em càng thêm yêu dân tộc mình, biết thêm những điều mà trong sách giáo khoa chưa cung cấp nhưng lại rất cần thiết trong cuộc sống.
Hoặc giáo viên giao nhiệm vụ về nhà học sinh có thể tự chuẩn bị trước và lên thuyết trình. Điều này là áp dụng cách thức tổ chức mới, giúp học sinh có thể chủ động lĩnh hội kiến thức, chắc chắn rằng học sinh sẽ nhớ nội dung của mỗi bài nhiều hơn nhờ những câu chuyện này. Đặc biệt học sinh sẽ biết nhiều hơn về mỗi triều đại, biết nhiều nhân vật lịch sử hơn; từ đó sẽ yêu thích môn Lịch sử hơn” - cô Trần Thị Vui cho hay.