Những nét phác họa lịch sử 'Bên chiến hào'

Trần Hoà | 05/05/2022, 09:24
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Giữa tháng 4/2022, triển lãm “Bên chiến hào” trưng bày những ký họa tiêu biểu chưa từng công bố của họa sĩ Huỳnh Phương Đông vẽ tại chiến trường trong khoảng thời gian từ năm 1963.

Triển lãm trưng bày 97 bức tranh, chủ là những ký họa chân dung, vẽ bên chiến hào từ đầu thập niên 1960. Sau hơn 50 năm khi đã lùi xa chiến hào, xem lại những ký họa này, công chúng thấy thêm những ý nghĩa khác và đời sống khác - điều mà có lẽ chính thời cuộc của Huỳnh Phương Đông cũng không nghĩ đến.

“Tôi vẽ chân dung hàng trăm bè bạn và đồng chí. Nhiều bạn bè của tôi hồi đó là những chàng trai, những cô gái còn rất trẻ, nhưng họ vô cùng dũng cảm trên chiến trường. Tôi có trách nhiệm gìn giữ kỷ niệm về họ...”, họa sĩ Huỳnh Phương Đông từng chia sẻ như vậy.

Ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, triển lãm “Bên chiến hào” cũng là sự tái hiện những cuộc triển lãm mỹ thuật trong chiến khu xưa, hoặc có khi tranh được treo dọc theo các chiến hào tại chiến trường miền Đông Nam Bộ nhằm động viên tinh thần đồng đội ngoài mặt trận của các họa sĩ Phòng Hội họa Giải Phóng (B11).

Trong 97 bức tranh, có 82 bức ký họa chân dung là những bà má Nam Bộ, cán bộ chiến sĩ, nữ biệt động, chị nuôi trên đất Thép, xạ thủ trẻ. 15 bức ký họa sự kiện lịch sử, trên trận địa, cảnh sinh hoạt trong chiến khu. Có thể nói, đây là những trang sử bằng tranh vô giá, là một tập tài liệu mỹ thuật quý và hữu ích cho một giai đoạn ác liệt nhất trong lịch sử Việt Nam.


Các họa sĩ của Phòng Hội họa Giải phóng (B11) vừa chiến đấu, vừa sáng tác và triển lãm ngay bên chiến hào.


Triển lãm “Bên chiến hào” hướng tới kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam. Triển lãm trưng bày 97 bức tranh chưa từng công bố của họa sĩ Huỳnh Phương Đông.

Người trẻ tái hiện bên chiến hào

“Việc sắp đặt các chương, mục và các mảng chữ kèm hình ảnh một cách hợp lý đưa đến cách đọc sách mới, rất nhẹ nhàng, dễ hiểu, xoay quanh vấn đề “bí danh” của một họa sĩ nổi tiếng vẽ về chiến trường. “Bí danh Huỳnh Phương Đông” là một nỗ lực và thể hiện niềm đam mê của các tác giả trẻ dành cho các giá trị truyền thống” - Bà Đặng Thị Bích Ngân, Giám đốc Nhà xuất bản Mỹ thuật.

Cũng trong dịp triển lãm những bức tranh chưa từng công bố, Nhà xuất bản Mỹ thuật cũng giới thiệu cuốn sách “Bí danh Huỳnh Phương Đông” do hai tác giả trẻ Phạm Hoàng Việt và Nguyễn Hùng Cường biên soạn.

Như nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhận định: “Những bức vẽ của họa sĩ Huỳnh Phương Đông như đi thẳng từ chiến trường lên trang giấy. Chúng không phải là những bức ký họa thông thường để dựng tranh, mà đã là một tác phẩm hoàn chỉnh với đầy đủ cảm xúc, sự sống động và tâm hồn”.

Chính điều này đã làm những người trẻ, dẫu không sinh ra trong cuộc chiến nhưng cảm nhận được trọn vẹn nỗi đau của thế hệ đi trước.

Năm 15 tuổi, Phạm Hoàng Việt lần đầu nhìn thấy tranh của họa sĩ Huỳnh Phương Đông được in trong ba tập ký họa “Miền Nam Việt Nam - Đất nước, con người”. Choáng ngợp vì các tác phẩm nhưng tận 25 năm sau, Hoàng Việt mới có dịp gặp gia đình họa sĩ và nung nấu ý định thực hiện một cuốn sách về cuộc đời ông.

“Ông có khả năng phân tách những chuỗi chuyển động ra thành từng khoảnh khắc, nắm bắt và giữ lại một khoảnh khắc ưng ý nhất để đặc tả trong tranh. Có lẽ năng lực thiên phú đặc biệt này đã làm nên tên tuổi của họa sĩ Huỳnh Phương Đông – người họa sĩ mà tôi ngưỡng mộ, yêu mến”, Phạm Hoàng Việt chia sẻ.

Hoàng Việt (sinh năm 1982) vốn có tình yêu đặc biệt với nghệ thuật. Anh say mê những hình ảnh xưa, tranh vẽ, ký họa cũ, sách báo thời chiến. Anh sưu tập hơn 400 bức vẽ của họa sĩ Huỳnh Phương Đông.

Thực hiện cuốn sách “Bí danh Huỳnh Phương Đông” còn có Nguyễn Hùng Cường (sinh năm 1997). Hùng Cường là nhiếp ảnh gia, có cách tiếp cận mỹ thuật thông qua việc sắp đặt và trưng bày nội thất bằng những món đồ xưa.

Với cảm quan thiết kế thẩm mỹ, cả hai đã tạo nên một không gian nghệ thuật đặc biệt tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Những bức mành tre được dựng lên để treo các tác phẩm, cây xanh chen nhau từ lối vào và tiếng chim hót ríu rít trong gian trưng bày - họ đã tái hiện một triển lãm được tổ chức ngay trong chiến hào, nơi họa sĩ Huỳnh Phương Đông thường bày tranh.

Theo bà Đặng Thị Bích Ngân - Giám đốc Nhà xuất bản Mỹ thuật, cuốn sách “Bí danh Huỳnh Phương Đông” dày 548 trang. Ngoài 250 ký họa được in, tập sách cũng giới thiệu đến độc giả góc riêng tư trong gia đình họa sĩ. Những bức thư tình mang nỗi niềm nhớ nhung, lo lắng, động viên lẫn nhau giữa ông và người vợ bị chia cắt hai miền trong suốt 10 năm.

Bài liên quan
Hoạ sĩ trẻ X.Lan kể chuyện đời qua từng nét vẽ
(GDTD) – “Mình chưa gặp vấn đề với việc cạn ý tưởng bởi thói quen ghi chép mọi lúc mọi nơi. Đi đường thấy cái gì hay sẽ ghi lại, kể cả lúc mơ ngủ mà tỉnh dậy giữa đêm cũng sẽ mắt nhắm mắt mở tìm điện thoại để ghi lại nội dung giấc mơ.”, X.Lan hài hước chia sẻ với chúng tôi về cách cô được truyền cảm hứng trong những bức vẽ của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những nét phác họa lịch sử 'Bên chiến hào'