Trong phần mở đầu cuốn sách, họa sĩ Trịnh Lữ viết đôi lời gửi bạn đọc, trong đó cho biết ấn phẩm được thực hiện từ ý định “ra một cuốn sách nhỏ, có cả tranh cũ tranh mới, cùng dăm câu ba điều về việc vẽ nên chúng trong suốt hơn sáu chục năm qua”.
Lạc quan trong gian khó đại dịch
Tên sách “Vẽ gì cũng là tự họa” - họa sĩ Trịnh Lữ cho hay: “Tôi vẽ theo lối mắt thấy, tay vẽ mà phải yêu phải “kết” cái gì thì mới vẽ được cái đó. Sau vẽ nhiều thì nhận ra cái mình vẽ chính là cách nhìn, cảm nhận, là con người mình. Bởi vậy, vẽ ngoại cảnh cũng là vẽ thế giới nội tâm, vẽ lại chính mình cho nên vẽ gì thì cũng là tự họa”.
Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho rằng khi vẽ tranh chân dung, họa sĩ Trịnh Lữ quá tôn trọng người ngồi trước mặt, quá “chiều” người mẫu của mình. Đó là lối vẽ khách quan, để người mẫu tự nói lên cá nhân của họ, họa sĩ không can thiệp và đưa ý tưởng riêng vào đó.
Tranh phong cảnh của Trịnh Lữ thường không có người, không có sinh hoạt, là thiên nhiên vắng lặng, yên tĩnh. Họa sĩ để người xem tự cảm nhận về phong cảnh, giấu tâm trạng của mình vào đó. Ngược lại, tranh vẽ sinh họat của Trịnh Lữ sinh động, nhiều màu sắc, trực tiếp.
Nghệ sĩ điêu khắc Đào Châu Hải cho rằng, Trịnh Lữ là họa sĩ có ngôn ngữ biểu hiện tinh tế trong kỹ thuật thể hiện trạng thái tâm lý con người và cảnh vật thiên nhiên. Ông vẽ trước tiên để cho mình, kể lại câu chuyện của chính mình một cách trung thực những gì cảm thấy, quan sát về cuộc sống mà ông trải nghiệm.
Hết mình với hội họa, bạn đọc còn thấy một Trịnh Lữ đắm đuối với từng con chữ. Dịch thuật văn chương đến với Trịnh Lữ từ một sự tình cờ và đưa ông sang một lối rẽ thú vị, dù năm 1978 ông đã từng dịch cuốn “Chuyện hêu” của Billy Borker.
Khi trở về nước, Trịnh Lữ được nhóm làm sách nhờ chuyển dịch cuốn “Cuộc đời của Pi” - Yann Martel. Vốn sống và làm việc 15 năm ở nước ngoài cộng với những kiến thức sâu rộng được gia đình truyền dạy từ bé đã giúp “Cuộc đời của Pi” khi đến với bạn đọc Việt Nam theo cách rất nhanh chóng và đầy cảm hứng.
Bản dịch với những chú giải đầy công phu về các thuật ngữ liên quan đến tôn giáo và văn hóa phương Tây cho thấy sự làm việc cẩn trọng. Sức hấp dẫn của cốt truyện, những giá trị văn chương giàu tính ẩn dụ khiến “Cuộc đời của Pi” nhận được nhiều sự đồng cảm từ bạn đọc trẻ.
Vừa vẽ và viết, ngay sau triển lãm “Vẽ gì cũng là tự họa”, Trịnh Lữ sẽ cùng nhóm họa sĩ ra mắt công chúng triển lãm “Vẫn là tết chứ 2022” - với mong muốn mang lại cho người xem thái độ sống lạc quan ngay trong đại dịch Covid-19, qua những bức tranh tưng bừng sức xuân với sơn mài, sơn dầu, phấn màu, màu nước và lụa.