Mong manh phận người
Là một nghệ sĩ trẻ, lẽ thông thường nhiều người hay “đao to búa lớn”, nhưng Hoàng Long Hải gần như ngược lại. Khá âm thầm, sống và vẽ tự nhiên như bản năng.
Sự tự nhiên, không gò ép của Hải khiến hoạ sĩ Lê Thiết Cương đồng tình: “Chất liệu đâu quá quan trọng, sơn dầu trên toan cũng được mà sơn nước trên toan cũng hay nếu chất liệu ấy hòa được vào cảm xúc của mình, thậm chí là băng dính, lá khô”.
Những bức tranh của Hải đều là đen trắng và ghi nhưng dưới những đen trắng ấy là những câu chuyện, nhỏ thôi của Hải, là vui buồn, được mất, thăng trầm…
Đó là nền móng để những bức tranh “đứng” vững trong thế giới mênh mông của nghệ thuật. Nó làm cho những mảng đen trắng thành mầu. Nó làm nên hình dáng của thủy tinh - vỡ cũng tự nhiên.
Bên cạnh hội họa, Long Hải nhận thức âm nhạc là một ngôn ngữ truyền đạt song song cùng hiệu ứng thị giác của tác phẩm để tạo ra một trải nghiệm hoàn thiện nhất về mặt cảm xúc. Trong quá trình thực hành đời sống, Long Hải luôn đề cao tính quan sát, nghiên cứu và có ý thức xây dựng đời sống của mình luôn phong phú và mới mẻ - điều này có sức ảnh hưởng đến tính chất thử nghiệm về cách trình bày mạch câu chuyện của “Dáng hình thủy tinh”.
Hải thực hành nghệ thuật bằng nhiều loại hình, nghiêng về đa phương tiện, và thường là chất liệu tổng hợp. “Tôi thích chất phóng khoáng của sơn nước, tuy nghệ thuật của tôi hầu hết là hai màu trắng – đen. Tôi tin rằng khoảng lặng ở giữa của màu xám là nơi ký ức và cảm xúc mãnh liệt con người được trú ngụ. Đối mặt với chủ đề nội tâm con người, tôi chọn cách đối xử với chúng thật nhẹ nhàng, nhưng minh bạch”, Hoàng Long Hải chia sẻ.
Công chúng ngắm những những bức tranh đen – trắng, thi thoảng điểm xuyết một màu khác lạ với những gương mặt người thảng thốt. Con người như những bóng ma trong một thế giới đen – trắng lẫn lộn. Để rồi qua đó, một thông điệp được gửi đến hiện thực “đánh thức” những đắm chìm mê luỵ của chúng ta.
Qua “Dáng hình thủy tinh”, Long Hải tìm hiểu về ranh giới mong manh giữa sự sâu sắc và vô vị khi con người đối mặt với bóng tối của bản thân. Đi sâu vào trong thế giới nội tâm của nghệ sĩ, khi khán giả lựa chọn nhìn xuyên qua vỏ bọc của sự hỗn loạn, không hoàn hảo và tối tăm để khám phá một sự thật đẹp đẽ: Những tâm hồn luôn thật mong manh nhưng đầy rung cảm.
Con người, suy cho cùng cũng chỉ là những sinh linh bé nhỏ trong bàn tay tạo hoá. Thiên tai, dịch bệnh với sức mạnh vô tận mới khiến con người nhận ra mình đang ở đâu trong vũ trụ bao la. Và, giữa con người với nhau – hiếm khi tự nhận ra sự khiêm tốn của phận người.
Như những bức tượng thủy tinh, những câu chuyện, trải nghiệm đời sống, quá khứ của con người luôn thật thuần khiết trong trái tim, nhưng đôi khi những điều tuyệt đẹp ấy chỉ cần được nâng niu là đủ.
Tên triển lãm lần đầu này, Hải đặt là “Dáng hình thủy tinh” - vừa trong suốt vừa mong manh dễ vỡ, ấy là “ban đầu” là 18 đôi mươi, là đất lành cho khởi thủy dù là “những mảnh thủy tinh vỡ”. –
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương