Thế nhưng sự thật là dòng chữ ẩn vẫn không thể che giấu vì nếu để ý kỹ thì vẫn có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Suốt cả trăm năm, hậu thế đã tranh luận gay gắt rằng ai là người đã viết dòng chữ điên cuồng phá hoại đó? Nhiều giả thiết đã được đặt ra. Đó có thể là một đối thủ cạnh tranh ghen tỵ với tài hoa của Munch hoặc cũng có thể là một người thưởng tranh bất bình với tác phẩm.
Mãi đến đầu năm 2021, các nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Quốc gia Na Uy - nơi đang lưu giữ 1 bản gốc bức tranh đã công bố kết quả khiến công chúng bất ngờ. Qua kiểm tra bằng quét tia hồng ngoại và loạt phương pháp phân tích, đối chiếu hiện đại, cuối cùng "thủ phạm" phá hoại "Tiếng thét" cũng đã lộ diện. Đó chẳng là ai khác mà chính là tác giả Edvard Munch.
Ông Thierry Ford, nhà bảo tồn tranh tại Bảo tàng Quốc gia Na Uy cho biết họ đã sử dụng những tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại để phân tích chi tiết chữ viết trên tranh và có khả năng phân biệt được từng sắc thái trong chữ viết tay. Khi so sánh với nhật ký và thư của Munch, quả thật là dòng chữ "Chỉ có thể vẽ bởi kẻ điên" hoàn toàn trùng khớp.
Suốt nhiều năm qua, nhiều người vẫn luôn đặt câu hỏi về trạng thái sức khỏe tinh thần của Edvard Munch trong thời gian ông sáng tác "Tiếng thét". Năm 1895, một sinh viên y khoa trẻ Johan Scharffenberg từng tuyên bố các bức tranh của Munch cho thấy ông là người có tâm trí không ổn định. Henrik Grosch - giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Trang trí và Thiết kế Na Uy vào thời điểm đó cũng cho rằng Munch không còn tỉnh táo.
Về sau, hậu thế cũng nhiều người đồng tình với quan điểm danh họa người Na Uy đã bị trầm cảm nặng. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng chính những phán xét, đồn đoán này đã dày vò Munch và biến ông từ một người bình thường trở thành "kẻ điên" thực thụ lúc cuối đời.
Nguồn: CNN