Khoảng hơn 2 năm trở lại đây, sàn quay về với bất động sản nhà ở (căn hộ chung cư). Hiện sàn tham gia bán các dự án căn hộ của Vinhomes, Masterise, Nam Long.
“Mặc dù vẫn bị ảnh hưởng của thị trường chung. Có dự án bán tốt, có dự án bán chậm, có dự án bán chưa được. Thế nhưng, tôi thấy được nhu cầu của khách hàng với bất động sản là khá lớn. Tài chính của họ cũng có nhưng do tâm lý chưa ổn. Vì thế, chọn phân khúc phù hợp với từng thời điểm để tham gia là cách mà sàn môi giới có thể “chốt” được khách lúc khó khăn, trụ được với thị trường. Từ nay đến cuối năm, căn hộ vẫn là phân khúc chủ đạo để sàn tham gia bán”, ông Bình nhấn mạnh.
Đặt câu hỏi: Như vậy, với bối cảnh thị trường hiện nay, các sàn phải phân phối sản phẩm của các chủ đầu tư lớn mới có thể bán được?, ông Bình cho rằng, việc theo chủ đầu tư lớn, uy tín cũng là một phần trong chiến lược lúc khó khăn.
Thực ra, ở góc độ sàn phân phối bất động sản phải kết hợp với nhiều chủ đầu tư để đa dạng sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, một số khu vực tạm thời khó khăn, nên sàn phải vạch ra chiến lược cho từng khu vực, và chủ đầu tư ở từng thời điểm thị trường.
Ghi nhận cho thấy, thời gian qua, khi thị trường bất động sản biến động, nhiều sàn địa ốc đã rời thị trường. Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới chỉ có 1.744 doanh nghiệp, giảm 61,4% (so với cùng kỳ năm trước). Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản giải thể là 554 đơn vị, tăng tới 30,4%.
Các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản đang rơi vào tình trạng rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp, sàn bất động sản lâm vào hoàn cảnh “sống còn”. Theo đó, trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp cần chủ động đưa ra kế hoạch đối phó với những tình huống không dự báo trước.
Những sàn giao dịch còn trụ lại với thị trường thời điểm này đa số đã có kinh nghiệm trên thị trường; có mối quan hệ và nguồn hàng đa dạng với các chủ đầu tư.