Ngành Giáo dục có gần 1,6 triệu cán bộ, nhà giáo, người lao động, trong đó nữ chiếm trên 70% tại hơn 52 nghìn trường học, cơ sở giáo dục.

Việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi của nữ nhà giáo, người lao động được Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Công đoàn Giáo dục địa phương cụ thể hóa thành nhiều chương trình, hoạt động. Qua đó tạo môi trường, động lực để nữ nhà giáo, người lao động phát huy năng lực bản thân cũng như cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của ngành.

Ông Nguyễn Minh Hoàng - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Kon Tum: Tạo “sân chơi” cho nữ nhà giáo

Chạm vào tâm tư ảnh 1

Ông Nguyễn Minh Hoàng.

Tỉnh Kon Tum có 11.446 giáo viên, trong đó nữ nhà giáo là 9.175 người. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hay Tết Nguyên đán, Công đoàn luôn quan tâm, thăm và chúc Tết giáo viên biệt phái tại các trường vùng sâu hoặc trường hợp khó khăn. Ngoài ra, đơn vị còn đặc biệt chăm lo, bảo vệ quyền lợi của nữ nhà giáo, người lao động.

Hàng năm, nhân dịp 8/3 hay 20/10, đơn vị tuyên truyền, triển khai các hoạt động phù hợp đến Công đoàn cơ sở. Bên cạnh đó hướng dẫn Công đoàn cơ sở tùy điều kiện thực tế để tổ chức các hoạt động, như: Giao lưu văn hóa, thể dục thể thao, các cuộc thi “Nữ công gia chánh”…

Tùy vào điều kiện của địa phương, các Công đoàn cơ sở phối hợp với ban giám hiệu tổ chức tôn vinh, tặng quà (áo dài, nhu yếu phẩm…) cho nữ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, hết lòng trong sự nghiệp “trồng người”; Đồng thời, tiếp tục triển khai công tác nữ công, bình đẳng giới vì sự tiến bộ phụ nữ và phong trào “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”; hay “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…; mời diễn giả trao đổi, tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; trang bị kiến thức về tầm soát phát hiện sớm ung thư để đưa ra giải pháp chủ động phòng tránh.

Với ngân sách từ “Vốn vay phụ nữ nghèo Việt Nam” được Liên đoàn Lao động tỉnh Kon Tum phân bổ về, đơn vị lựa chọn những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ vay vốn với mức lãi suất 0,5%/tháng. Vừa qua, 5 nữ giáo viên trên địa bàn được vay 20 triệu đồng/trường hợp/năm nhằm phát triển kinh tế, chăm lo đời sống gia đình hay lo cho con cái học tập…

Ông Đặng Văn Hải – Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An: Khích lệ nữ nhà giáo tiên phong đổi mới

Chạm vào tâm tư ảnh 2

Ông Đặng Văn Hải.

Nghệ An là một trong những tỉnh dẫn đầu của cả nước về chất lượng giáo dục mũi nhọn. Bên cạnh đó, giáo dục đại trà cũng ngày được nâng cao. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Nghệ An tăng 14 bậc xếp loại kết quả. Ngành Giáo dục tỉnh cũng được Bộ GD&ĐT tặng Cờ thi đua xuất sắc. Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An nhiều năm liền được CĐGDVN, Tổng LĐLĐ Việt Nam khen thưởng. Những thành tựu quan trọng trên có cống hiến trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động nói chung và nữ công đoàn viên nói riêng.

Hiện, ngành GD-ĐT Nghệ An có 1.525 cơ sở giáo dục với tổng số 52.612 cán bộ, nhà giáo, người lao động, trong đó nữ là 40.442 người, chiếm 76%. Tỷ lệ nữ nhà giáo tham gia cán bộ quản lý là 2.363 người, chiếm 51%. Trong số này có 2 người là Phó Chủ tịch Công đoàn ngành, 7 người đảm nhiệm vị trí trưởng và phó trưởng phòng thuộc sở, 15 người là cán bộ quản lý phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, thị xã, đơn vị trực thuộc sở. Ngoài ra, có 105 nữ cán bộ quản lý và 30 nữ chủ tịch công đoàn. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn tăng nhanh, phát triển đủ về số lượng, tương đối đồng bộ về cơ cấu; nhiệt tình, tâm huyết với nghề, tích cực, chủ động học tập bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Những năm qua, được sự chỉ đạo của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An, Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An đã triển khai nhiều hoạt động, phong trào thi đua cho nữ cán bộ nhà giáo. Đặc biệt phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, văn hóa - xã hội và phát động liên tục với nhiều hình thức phong phú.

Thực tế giáo dục hiện nay yêu cầu ngày càng cao về năng lực, đổi mới sáng tạo của đội ngũ nhà giáo. Đối với nữ giáo viên, bên cạnh công việc, họ còn là người “xây tổ ấm” trong gia đình. Vì thế, họ gặp không ít áp lực, vất vả để cân bằng việc trường, việc nhà. Công đoàn ngành Giáo dục đã hướng dẫn các đơn vị cụ thể hóa chương trình hoạt động, chú trọng tính hiệu quả của phong trào. Kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, khó khăn và vướng mắc trong cuộc sống, công việc của nữ công đoàn viên để hỗ trợ, chia sẻ.

Chạm vào tâm tư ảnh 3

Khám sàng lọc ung thư cho nữ giáo viên tại Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài

Bên cạnh đó, chỉ đạo công đoàn cơ sở tổ chức khảo sát thực trạng đội ngũ nữ cán bộ, giáo viên trong ngành. Chủ động tham mưu với lãnh đạo các cấp xây dựng Đề án quy hoạch, đào tạo cán bộ, giáo viên. Chăm lo phát triển đội ngũ cả về số lượng và chất lượng, xây dựng kế hoạch sử dụng cán bộ, giáo viên nữ hợp lý nhằm tạo điều kiện cho nữ cán bộ, giáo viên phát huy năng lực, đóng góp cho sự phát triển của ngành.

Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An cũng đặc biệt quan tâm đến công tác biểu dương khen thưởng từng năm, giai đoạn, từng phong trào. Các chương trình tôn vinh chính là sự ghi nhận, đánh giá của ngành đối với cống hiến và đóng góp của đội ngũ cán bộ nữ quản lý. Kịp thời khích lệ, tạo động lực để họ tiếp tục phấn đấu.

Có thể kể đến tấm gương như cô Nguyễn Thị Kiều Hoa, Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An. Đây là ngôi trường dành cho học sinh dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Là ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn ngành, vừa là Hiệu trưởng, cô luôn đi trước đón đầu, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng thời động viên khích lệ các giáo viên, học sinh cả trong dạy học và các hoạt động giáo dục khác. Hay như cô Nguyễn Thị Hằng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Chương – hoàn cảnh vất vả, có thời điểm sức khỏe không tốt nhưng luôn cân bằng để chu tất việc gia đình và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

12 năm làm Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Kỳ Sơn, cô Trương Thị Lan luôn tâm huyết và trăn trở để làm sao chất lượng GD miền núi xích gần với miền xuôi. Công đoàn trường liên tục đạt công đoàn vững mạnh xuất sắc. Bản thân cô đạt chiến sĩ thi đua cơ sở, Bằng khen của LĐLĐ tỉnh và CĐGD Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam: Phát hiện bất cập, đề xuất chính sách với nữ nhà giáo

Chạm vào tâm tư ảnh 4

Ông Nguyễn Ngọc Ân.

Ngành Giáo dục hiện có gần 1,6 triệu cán bộ, nhà giáo, người lao động, trong đó nữ chiếm gần 80% tại hơn 52 nghìn trường học, cơ sở giáo dục. Vì vậy, việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi của nữ nhà giáo, người lao động là nhiệm vụ quan trọng của Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

Thời gian qua, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện bất cập, đề xuất, kiến nghị về cơ chế chính sách đối với nữ cán bộ nhà giáo, người lao động. Qua đó kiến nghị, đề xuất với Bộ GD&ĐT, Tổng LĐLĐ Việt Nam có giải pháp tháo gỡ, đảm bảo chế độ chính sách cho nữ cán bộ nhà giáo, người lao động.

Cùng với đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tham gia vào quá trình xây dựng Luật Nhà giáo, góp ý xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, quy định của ngành, Tổng LĐLĐ Việt Nam liên quan đến cán bộ nhà giáo, nhất là nội dung về lao động nữ. Tiếp tục đề xuất, kiến nghị những vấn đề liên quan đến quyền lợi của nữ cán bộ nhà giáo, người lao động.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn trong ngành Giáo dục quan tâm, chăm lo, hỗ trợ đội ngũ nữ cán bộ nhà giáo bị bệnh hiểm nghèo, mắc Covid-19, có hoàn cảnh khó khăn. Công đoàn ngành cũng đặc biệt quan tâm hỗ trợ cho nữ cán bộ nhà giáo, người lao động đang mang thai, nuôi con nhỏ; tìm kiếm các chương trình phúc lợi đoàn viên, huy động nguồn lực chăm lo cho đội ngũ.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam chỉ đạo Công đoàn Giáo dục các cấp tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”; tạo điều kiện và có cơ chế riêng hỗ trợ cho nữ cán bộ nhà giáo nâng cao năng lực nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.

Đã có hàng nghìn lượt nữ cán bộ công đoàn được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ; nữ cán bộ nhà giáo, người lao động được đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị. Phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” ngành Giáo dục tiếp tục được triển khai hiệu quả với những yêu cầu mới nhằm nâng cao vai trò, vị thế phụ nữ.

Chạm vào tâm tư ảnh 5

Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An hỗ trợ cô Lê Thị Thùy Linh – nữ nhân viên Trường THPT Nguyễn Thức Tự (huyện Nghi Lộc) có hoàn cảnh khó khăn, chồng vừa qua đời do bệnh hiểm nghèo. Ảnh: Hồ Lài

Phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” được nữ cán bộ nhà giáo hưởng ứng nhiệt tình. Qua đó, các chuẩn mực giá trị văn hóa con người Việt Nam được đề cao; giá trị đạo đức truyền thống được gìn giữ, phát huy và đổi mới theo hướng phù hợp với thời đại mới và hội nhập quốc tế.

Hàng năm, Công đoàn ngành đều có chương trình hướng đến công đoàn viên để giải tỏa tâm tư, động viên đội ngũ. Trong năm 2022 và 2023 đã có nhiều chương trình chăm lo cho đội ngũ như: Tọa đàm trực tuyến trên fanpage Công đoàn Giáo dục Việt Nam về chăm sóc sức khỏe cho nữ cán bộ nhà giáo, người lao động; Chương trình Gặp gỡ tháng 10 tôn vinh, tri ân các nữ cán bộ quản lý và cán bộ công đoàn chủ chốt ngành Giáo dục, ra mắt bộ sưu tập áo dài cho nữ ngành Giáo dục và tặng các chị em tham dự chương trình bộ áo dài trong bộ sưu tập trị giá 30 triệu đồng/áo.

Trong năm 2023, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Công ty Sen Vàng tổ chức các sự kiện được livestream trên fanpage Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Qua đó tôn vinh giá trị áo dài truyền thống Việt Nam với những phần quà là các bộ áo dài có giá trị của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam.

Vào dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức hoạt động chào mừng với sự hưởng ứng của đông đảo nữ cán bộ nhà giáo, người lao động trong toàn ngành với chủ đề: “Vào bếp cùng chuyên gia”, “Lão hóa ngược - Giải pháp cho làn da”; tổ chức và trao giải cuộc thi tìm hiểu kiến thức chăm sóc sức khỏe phụ nữ với chủ đề “Sắc Xuân”, thi ảnh “Duyên dáng áo dài Việt Nam”. Đồng thời chỉ đạo công đoàn các đơn vị tổ chức các hoạt động, khuyến khích nữ nhà giáo hưởng ứng chương trình “Tuần lễ Áo dài” và gửi ảnh mặc trang phục áo dài để đăng trên website và fanpage Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

Thời gian tới, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức tốt phong trào thi đua; triển khai các hoạt động với nhiều hình thức mới, cách làm hay, thu hút đông đảo nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động tham gia; đảm bảo các chế độ, chính sách đối với lao động nữ; lan tỏa những hoạt động mang đặc trưng trong ngành và trong xã hội, góp phần củng cố và nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn.

Công đoàn ngành đề nghị các cơ sở giáo dục tiếp tục làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương điển hình tiên tiến và nhân rộng gương sáng tiêu biểu. Tin rằng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, nữ cán bộ nhà giáo tỉnh Nghệ An tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ, sự sáng tạo và tiên phong của mình. Qua đó đạt được nhiều thành công mới, chinh phục thêm đỉnh cao, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn và ngành GD-ĐT ngày càng phát triển. - Ông Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chạm vào tâm tư