'Chảy máu' nhân lực giáo dục vùng khó (bài 2)

19/05/2023, 15:57
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ba năm triển khai Chương trình mới cũng là khoảng thời gian ngành Giáo dục Điện Biên đối mặt với thực trạng “chảy máu” nhân lực trầm trọng.

Mặc dù ở ngay trung tâm huyện Mường Nhé, song những năm gần đây Trường PTDTBT THCS Mường Nhé vẫn ghi nhận tình trạng giáo viên nghỉ việc, chuyển vùng. Thầy Dương Tiến Công, Hiệu trưởng nhà trường thông tin: Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm đều ghi nhận 1 - 2 trường hợp. Riêng năm 2021, có 4 thầy cô nghỉ việc, chuyển vùng.

“Trường hiện có 42 giáo viên đứng lớp, trong khi có hơn 1.000 học sinh (trên 600 em ở bán trú). Theo quy định, mỗi giáo viên dạy 17 - 18 tiết/tuần, nhưng trên thực tế thầy cô đều dạy trung bình 22 - 23 tiết/tuần. Mặc dù đã được tăng cường 3 giáo viên, song đội ngũ vẫn phải đứng lớp vượt khung mới đủ bù lấp”, thầy Công chia sẻ.

Không chỉ chật vật xoay xở bù lấp chỗ trống, theo thầy Công, điều đáng tiếc nhất là trong số nghỉ và chuyển công tác, nhiều người là giáo viên dạy giỏi các cấp. “Trường có 7 giáo viên dạy giỏi cấp huyện và tỉnh thì nghỉ mất 3 người. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là đào tạo mũi nhọn”, thầy Công nói.

Cũng trong khoảng thời gian này, Trường PTDTBT Tiểu học Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé) ghi nhận gần 10 giáo viên nghỉ việc, chuyển vùng. Chia sẻ của thầy Phó Hiệu trưởng Lò Văn Biên, phần đa trong số này có thời gian công tác từ 9 - 10 năm. Trong đó, có 3 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, huyện.

“Chúng tôi vừa tiếp nhận đơn xin chuyển công tác của 2 thầy cô, 1 người là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 1 cấp tỉnh. Trong khi đó, để có 1 giáo viên dạy giỏi phải mất ít nhất 6 - 7 năm rèn luyện, đào tạo. Vì thế, mỗi trường hợp chuyển đi vô cùng đáng tiếc. Khoảng trống họ để lại không thể bù lấp trong 1 hay 2 năm”, thầy Biên tâm sự.

Mường Nhé là huyện biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên. Đây cũng là địa phương ghi nhận tình trạng “chảy máu” nhân lực lớn nhất thời gian qua. Ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho hay: Từ năm 2020 đến nay, ngành ghi nhận 107 cán bộ quản lý, giáo viên xin thôi việc và chuyển công tác.

“Một năm chúng tôi chỉ giải quyết vào 2 đợt (cuối học kỳ I và cuối năm học), để không ảnh hưởng đến công tác giảng dạy nên chưa có thống kê của năm nay. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán, phòng đã tiếp nhận gần chục hồ sơ xin chuyển công tác”, ông Chùy thông tin.

Cũng theo ông Chùy, ứng phó với thực trạng này, ngành đã tham mưu với UBND huyện thực hiện hợp đồng với 46 giáo viên các cấp. Trong đó, có 26 giáo viên mầm non, 15 giáo viên tiểu học và 5 THCS. Triển khai Chương trình GDPT 2018, ngành phải áp dụng giải pháp tình thế là cử 17 giáo viên các bộ môn đi bồi dưỡng, tập huấn kiến thức cơ bản về Tin học để đứng lớp.

Về phía Sở GD&ĐT Điện Biên, đầu năm học 2022 - 2023, lần đầu tiên Giám đốc sở thông qua truyền thông để kêu gọi sinh viên mới ra trường liên hệ ứng tuyển giáo viên. Đồng thời, sở cũng ban hành hàng loạt văn bản gửi các cấp kiến nghị không thực hiện tinh giản với đội ngũ giáo viên; đề nghị trường đại học phối hợp giới thiệu nhân sự, đào tạo nhân lực các chuyên ngành.

“Tuy nhiên, tất cả đều là giải pháp về lâu dài. Bởi công tác đào tạo, bố trí cán bộ không thể một sớm một chiều. Trong khi, nhiệm vụ giáo dục thì vẫn phải thực hiện hằng ngày. Ngành có thể thiếu giáo viên, nhưng học sinh không thể thất học. Bởi vậy, áp lực lại dồn lên những giáo viên còn lại”, ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên nhìn nhận.

Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục Điện Biên thiếu gần 1.800 giáo viên. Trong đó, các môn chuyên biệt thiếu 211 người. Theo lộ trình tinh giản biên chế giai đoạn 2023 - 2026, toàn ngành dự kiến tiếp tục thiếu hơn 2.200 viên chức vào năm học 2023 - 2024; năm học 2024 - 2025 thiếu hơn 2.500 người làm việc và năm học 2025 - 2026 hơn 3.100 người.

Bài cuối: Không thực… khó vực được đạo

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/chay-mau-nhan-luc-giao-duc-vung-kho-bai-2-post639377.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/chay-mau-nhan-luc-giao-duc-vung-kho-bai-2-post639377.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Chảy máu' nhân lực giáo dục vùng khó (bài 2)